Truyện dã sử: Bạch tượng truyền kỳ

BẠCH TƯỢNG TRUYỀN KỲ

(Con voi trắng của vua Hàm Nghi)


Mặt trời vẫn mọc đằng đông
Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người
Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!

(Nguyễn Duy)

Tuấn quay trở lại Bản Lủ, một mảnh đất huyền bí.  

Bản Lủ nằm cheo leo bên dãy núi Cả giữa đại ngàn Trường Sơn. Tuấn đến bản Lủ vào một ngày xuân. Dân bản sống hồn nhiên như cây cỏ. Tuấn nghỉ đêm tại nhà già Sim, người được kính trọng nhất bản Lủ. 

Bếp lửa đêm bập bùng nổ lách tách. Tiếng sương đêm rơi như những nhịp đàn khoan nhặt. Già Sim ngồi lặng im bên bếp lửa như ông đã ngồi đó cả ngàn năm. Men nồng của ché rượu khiến làn da ông vồng đỏ. Chòm râu trắng như cước rưng rưng tạo vẻ uy nghi đến lạ lùng. Trong một giây lát, Tuấn ngỡ ngàng với không gian của ngôi nhà sàn đang bừng sáng như một tác phẩm nghệ thuật xắp đặt đẹp nghẹt thở. 

Góc nhà sàn có một chiếc tù và bọc bạc lấp lánh sáng trạm trổ rất tinh xảo. Già Sim vuốt râu: “Đó là chiếc tù và gọi voi. Nghề gia truyền của nhà tôi là nghề nài voi. Tổ phụ tôi là quản tượng của triều đình”…

*

Bạch Tượng là con voi trắng được Quản Binh vô cùng yêu quý. Trong đàn tượng binh, Bạch Tượng là con voi hùng mạnh mà thông minh nhất. Bạch Tượng gần như hiểu được tiếng người, lại trung thành hết mực, lập được nhiều chiến công trong những lần dẹp loạn. Tương truyền lính Pháp bắt được một con hổ thọt chân thành tinh nổi tiếng hung dữ ở thượng nguồn sông Hương. Chúng đã cho bày một cuộc voi đấu cọp. Cuộc đấu diễn ra ở Hổ Quyền. Vua Hàm Nghi, đại thần Tôn Thất Thuyết cùng Khâm sứ Rheinart và thống tướng De Courcy cùng tham gia cuộc đấu. 

Quân Pháp thả con hổ thọt ra. Đó là một con hổ to lớn chưa từng thấy. Tường Hổ Quyền cao đến vậy mà chút nữa nó đã nhảy qua nếu không có quân lính chĩa giáo xuống tua tủa. Cố nhảy lên mấy lượt không được, con hổ thọt đứng giữa bãi cỏ gầm gào. Quản Binh thả Bạch Tượng ra. Con hổ thọt nhanh như cắt lao mình vào chồm lên lưng và cắn vào gáy Bạch Tượng. Bạch Tượng lập tức tung vòi lên quấn lấy người con hổ thọt quẳng ra xa. Con hổ thọt như một bóng ma nhảy nhót xung quanh Bạch Tượng. Bất chợt nó nhảy bám lên mông và cắn mạnh vào đuôi Bạch Tượng. Quân Pháp khoái chí cười khanh khách. Bạch Tượng quay người định hất con hổ thọt ra nhưng con hổ càng bám chắc. Thấy vậy, Bạch Tượng vội chạy giật lùi ép dính con hổ vào tường ngã xuống. Khi quay lại, con hổ đã kịp ngồi lên vào định lao vào tấn công. Bỗng Bạch Tượng giương vòi “toét” một tiếng long trời lở đất. Con hổ thọt nhũn người ra kinh hãi nằm im. Bạch Tượng đứng đó sừng sững như một khối đá cẩm thạch. Đám lính Pháp kinh nhạc về tiếng như sấm động ngang tai của Bạch Tượng. Thấy con hổ nằm im sợ sệt, bọn lính lấy gậy chọc xuống để con hổ đứng dậy cho cuộc vui tiếp tục. Con hổ thọt không dám động đậy, chỉ uể oải cụp tai run rẩy. Quản Binh lấy tù và thổi lên một giục Bạch Tượng đi ra. Lũ lính Pháp tức giận lấy súng bắn chết con hổ thọt. Khi tiếng súng vang lên và tiếng con hổ thọt rên rỉ, Quản Binh bỗng thấy có mấy giọt nước ứa ra trên mắt của Bạch Tượng.

*

Khởi nghĩa Cần Vương. Vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết sau khi tấn công đồn Mang Cá bị thất bại liền dồn quân chạy lên thành Tân Sở. Quản Binh được Tôn Thất Thuyết giao nhiệm vụ chở vàng bạc châu báu và cùng Bạch Tượng đoạn hậu chạy theo sau. Quân Pháp đuổi rát, vây thành Tân Sở mấy vòng. Biết không thể ở trong thành chịu chết, quân khởi nghĩa mở một đường máu phá vòng vây rút chạy về hướng Tây. Đến sát dãy núi Cả, mọi người dừng lại nghỉ ngơi. Quản Binh cưỡi Bạch Tượng chặn hậu bị quân Pháp bắn bị thương, máu chảy loang đùi, người xanh lạt như tàu lá. Vua Hàm Nghi nhìn thấy Quản Binh và Bạch Tượng theo mình đến cùng thì xúc động lắm. Tôn Thất Thuyết bước về phía Quản Binh nói: “Trước mắt là rừng cây san sát. Bạch Tượng to lớn quá, sẽ làm chậm mọi người. Ông cũng bị thương, không thể theo kịp mọi người được. Hãy cùng Bạch Tượng ở lại đây”. Quản Binh khóc to hướng về phía vua Hàm Nghi: “Hoàng thượng, thần nguyện chết xin đi theo bảo vệ Hoàng thượng không chút từ nan”. Vua Hàm Nghi bùi ngùi tiến lại phía Quản Binh và Bạch Tượng khẽ khàng: “Ngươi và Bạch Tượng mang theo rất nhiều đồ quý báu mà vẫn một lòng chịu gian khổ theo ta, chẳng nảy dạ tham lam. Thế gian này hiếm người trung nghĩa thế lắm”. Quản Binh cúi đầu. Nhà vua cầm lấy tay Quản Binh nói nhỏ: “Nhà ngươi ở lại đây cùng Bạch Tượng, tìm nơi chôn chỗ đồ quý báu để sau này nghĩa quân có thể sử dụng”. Quản Binh không dám trái lời. 

Có tiếng giặc Pháp lao xao phía xa. Quản Binh cúi đầu bái biệt nhà vua. Bóng vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy giá nhanh chóng mất hút giữa cánh rừng trúc rậm rạp. Quản Binh leo lên mình Bạch Tượng đi thẳng về hướng đèo Cả. Một số tên lính Pháp thấy dấu chân của Bạch Tượng liền bám theo, nổ súng tấn công dữ dội. Quản Binh chống trả quyết liệt. Đến hang Cú, Quản Binh giục Bạch Tượng vào hang dựa vào địa thế hiểm trở của hàng làm lô cốt chống trả quân Pháp. Toán lính Pháp tấn công quyết liệt nhưng bị Quản Binh dùng súng và nỏ hạ sát chết mất gần chục đứa nên cũng đôi phần sợ hãi không dám tiến lên. Đến khi nhận được tin vua Hàm Nghi đã trốn đi đường khác, chúng tức tối bắn loạn vào hang Cú và gấp rút đuổi theo nhà vua.

Dân bản Lủ hôm đó bỗng thấy một con voi trắng, máu me đầy người xuất hiện. Đó chính là Bạch Tượng. Bạch Tượng cuộn xác Quản Binh mang đến giữa làng. Dân làng sợ hãi vào nhà đóng im cửa. Bạch Tượng gầm lên một tiếng thở dài não nuột rồi bỏ đi. Dân làng chôn xác người đàn ông xấu số. Họ giữ lại chiếc tù và mà người đàn ông đeo trên cổ. Mấy năm sau có người đến tìm. Nhận ra chiếc tù và có khắc tên Quản Binh, người đó bật khóc…

*

“Đó chính là cha tôi!” – Già Sim ngậm ngùi – “Sau khi biết ông tôi theo nghĩa quân Cần Vương, giặc Pháp đến bắt gia đình ông. Bà tôi bị bọn chúng bắt và tra khảo đến chết. Cha tôi may mắn chạy thoát. Cố dò theo tung tích ông nội, cuối cùng cha tôi tìm được đến bản Lủ. Đây chính là chiếc tù và nài voi gia truyền của gia đình nhà tôi”. Tuấn đưa hay tay cầm lấy chiếc tù và mạ bạc tinh xảo. Già Sim tiếp lời: “Người dân ở đây rất thuần hậu. Cuộc sống lại thanh bình. Lúc đó đang bị giặc Pháp truy đuổi nên cha tôi quyết định ở lại bản Lủ rồi lấy vợ sinh con đẻ cái ở đây”. Tuấn ngước nhìn già Sim: “Vậy còn Bạch Tượng?”. Già Sim tiếp lời: “Bạch Tượng vẫn chờ quân lính của nhà vua…”

*

Năm đó, người dân bản Lủ tổ chức lễ hội làng rất to. Trước đây vùng này bị nạn hổ dữ hoành hành. Cứ mỗi mùa rẫy là mỗi mùa bản mất người. Nhưng mấy năm rồi mà không thấy có một con hổ nào dám bén bảng đến gần bản. Người dân bản Lủ tin rằng đó chính là do Thành Hoàng làng phù hộ. Thành hoàng làng vốn là một vị võ tướng thời Tây Sơn, khi đem quân ra đánh chúa Trịnh, ông có dừng lại bản. Thấy người dân bị nạn hổ dữ, ông đã cùng quân lính đổ vào rừng săn hổ giúp dân. Trong lễ hội, người dân diễn lại cảnh quan quân săn hổ. Trưởng bản đóng vai vị võ tướng. Ông nâng cây tù và lên thổi một hơi dài. Tiếng trống chiêng giục giã tưng bừng. Cờ bay phấp phới. Mọi người rộn rã vui cười. 

Bỗng từ xa xa có tiếng rào rào như lở đất. Rồi một tiếng gầm vang rền như sấm. Đó chính là Bạch Tượng. Bạch Tượng nghe tiếng tù và quen thuộc thủa nào tưởng quan quân nhà vua quay trở lại. Tấm da trắng của Bạch Tượng giờ đã loang lổ rêu xanh và bùn đất. Chiếc kiệu vàng và lọng tán trên lưng Bạch Tượng sau những gió mưa của thời gian đã rơi rụng chốn rừng sâu. Nhưng trong tim con voi già vẫn nhớ lời hẹn trở về của nhà vua. Bạch Tượng đã chờ đợi mỏi mòn biết bao đến cái ngày được đi cùng hàng quân oai nghiêm thẳng tắp, phấp phới dưới lá cờ đào và tiếng kèn xung trận. Bạch Tượng chạy đến giữa đám hội lòng đầy vui sướng. Dân làng nhìn thấy Bạch Tượng lừng lững như một trái núi lao đến kinh hãi chạy tán loạn. Bạch Tượng đến nơi chỉ thấy một nhúm “quan quân” láo nháo chạy trốn, cờ quạt vứt rơi lả tả. Vị trưởng bản sững người trên kiệu rước, không kịp chạy vì quá kinh hãi. Con voi già nhìn “viên tướng” đang run rẩy lập cập. Chiếc tù và rơi lăn lóc dưới đất. Từ mắt Bạch Tượng bỗng chảy ra hai giọt nước mắt long lanh. Con voi già thở dài một tiếng như gió bão rồi lầm lũi đi sâu vào rừng.

Không ai nghe thấy tin tức gì về Bạch Tượng nữa. 

Có người bảo Bạch Tượng đã vỡ tim mà chết. 

Có người bảo Bạch Tượng đã hóa bất tử, trở thành thần giữ của cho kho báu của vua Hàm Nghi. 

*

Tuấn tò mò: “Vậy là kho báu cũng mất tích?” Già Sim lúc lắc đầu: “Tôi đã một lần tìm đến hang Cú ở núi Cả. Bên trong hang có một bộ xương voi rất lớn. Vào sâu trong hang thấy các ngách tỏa đi khắp nơi như ma trận, không biết đằng nào mà lần”. Tôi nói: “Sao già không huy động trai tráng trong bản cố tìm chỗ có dấu hiệu đào xới? Đó rất có thể sẽ là nơi chôn kho báu?” Già Sim trầm ngâm: “Tôi cũng đã đi cùng đám thanh niên tìm kỹ trong hang. Không có dấu hiệu nào của kho báu. Khi đang định đi ra thì gió ở đâu thổi về rít qua kẽ đá nghe hệt như tiếng thở dài. Nhũ đá chỗ cửa hang rơi sập xuống chút nữa thì bịt mất lối ra. Trong hang tối đen như mực, đào mãi mới thoát ra được. Mọi người tin là Bạch Tượng bị quấy nhiễu nên đã trách phạt. Từ đó dân bản coi hang Cú là hang thiêng, không ai không dám vào sợ đánh động sự yên nghỉ của Bạch Tượng”. Tuấn trầm ngâm nhìn chiếc tù và. Trên mình chiếc tù và có dòng chữ: “Báu vật chi tâm”. Bỗng già Sim cất lời: “Cuối cùng chẳng cần kho báu dân ta cũng đã đánh đuổi được giặc Pháp. Có lẽ kho báu lớn nhất chính là tinh thần bất khuất của người Việt mình”. 

*

Tuấn nằm xuống góc nhà sàn. Giữa đêm đen bỗng có tiếng xào xạc như tiếng bước chân của loài linh thú. Ánh lửa vẫn bập bùng. Rừng cây ầm ào như có tiếng thở dài từ miền xa lắm vọng về. Chiếc tù và bắt ánh lửa lấp lóe sáng. Già Sim vẫn ngồi uống rượu. Bóng ông đổ dài lên bức vách gỗ, im lặng và trường tồn như thời gian. 

Tuấn đang ở Bản Lủ, một mảnh đất huyền bí.   

Tác giả: HOÀNG TÙNG

Quảng Bình – 2010

Chia sẻ:

Bài viết mới nhất

Gửi tin nhắn của bạn