Đoản thiên kiếm hiệp: Huyết lệ truyền kỳ

Truyện dài kiếm hiệp: HUYẾT LỆ TRUYỀN KỲ

 

Năm Ất Hợi (1095), khi vua Lý Nhân Tông xem đánh cá ở hồ Dâm Đàm, bỗng nhiên sương mù nổi lên mù mịt. Một con hổ từ đâu nhao tới. Mấy người chài lưới gần đó quăng lưới vào con hổ cứu nhà vua. Thoáng chốc, mây mù tan đi. Lính ngự kiểm tra thì thấy trong lưới là Thái sư Lê Văn Thịnh. Họ Lê bị khép tội làm phép phù thủy, thoán nghịch hại vua, bị đày lên miệt Thao Giang cho đến chết.

Đó là câu chuyện “Thái sư hóa hổ” trong nghi án Dâm Đàm nổi tiếng bậc nhất của lịch sử ngàn năm Đại Việt.

Hơn hai mươi năm sau, người ta lưu truyền câu chuyện về một kiếm khách bí ẩn có tên Huyết Lệ.

 

Hồi 1 – Chợ Táu

 

Chợ Táu, phiên chợ lớn nhất vùng Thanh Ba

Đây cũng là phiên chợ kết nối hàng hóa giữa miệt Tây Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng. Phiên chợ chốn bán sơn địa này, ngày nào cũng đông. Nhưng hôm nay, phiên chợ Táu đông người hơn gấp bội. Cuối năm rồi, ai nấy đều cập rập sắm sửa ăn Tết. Nhiều người xuôi từ tận vùng Tầm Tang giáp biên xuống đây chọn lụa chọn gấm. Kẻ khác thì ngược từ Kinh Bắc lên đây lấy nhung hươu cốt hổ.

Càng nhiều gian hàng, Lý Mãnh càng mừng ra mặt. Họ Lý ngồi chễm chệ ở quán rượu giữa chợ. Hai tên đệ tử lực lưỡng đứng khoanh tay hai bên như hai bức tượng hộ pháp. Ai nấy đi qua đều phải cúi đầu khép nép chào.

Lý Mãnh vốn trước làm quan ở Kinh thành Thăng Long. Trong tam quân, Lý Mãnh có sức khỏe hơn người, lại thêm kiếm pháp tinh xảo nên dần được tiến cử, làm quan đến chức Đô đầu. Sau vì phạm lỗi mà bị Hoàng đế trách phạt, cắt mọi quan tước bổng lộc, đuổi về nguyên quán.

Về quê, Lý Mãnh cho lập võ đường, chiêu sinh dạy võ. Nghe danh tiếng võ nghệ của họ Lý, rất nhiều người đến theo học. Nhưng rồi những kẻ họ Lý chiêu nạp đều là phường đầu trộm đuôi cướp, ỷ mạnh nạt yếu. Đám võ sinh của Lý Mãnh chẳng khác đám giặc cỏ là mấy.

Hàng ngày, Lý Mãnh cùng đám đệ tử tìm đến những cửa hàng kinh doanh tìm cách gây rối, bắt chủ nộp tiền. Ai không nộp, nhẹ thì hắn đập phá tài sản, nặng thì hắn đánh cho què chân gãy tay. Nhiều người căm tức báo với quan quân nhưng đám quân lính phần bị Lý Mãnh mua chuộc, phần cũng ngại động chạm vì họ Lý dẫu sao trước đây cũng vẫn có tình đồng liêu.

Dần dần, ở cả vùng Thanh Ba, không ai dám chống cự lại Lý Mãnh. Thanh thế của họ Lý ngày càng lớn. Nhiều người buôn bán hùn tiền thuê sát thủ giết Lý Mãnh. Nhưng họ Lý võ nghệ cao cường, chẳng sát thủ nào làm gì được hắn. Họ Lý càng lấy thế làm đắc ý. Hắn tự lấy biệt hiệu là “Thiên nam đệ nhất kiếm”, cho rằng kiếm pháp của mình đã đạt đến cảnh giới vô địch thiên hạ.

Hôm nay, Lý Mãnh đắc ý hơn ngày thường bởi phiên chợ Táu đông hơn ngày thường. Càng nhiều người đến đây buôn bán, hắn càng phát tài. Mỗi chủ gian muốn bán hàng ở phiên chợ Táu này đều phải nộp cho hắn ba lạng. Ngồi trong quán rượu, Lý Mãnh nhẩm đếm các gian hàng, mắt lim dim tự đắc, tưởng tượng đến cảnh mấy ả kỹ nữ trắng phau chốn thanh lâu đang xoắn xuýt xung quanh. Lần này thu về không ít tiền đâu. Cứ mỗi phiên chợ, hắn lại có đủ tiền để cùng đám đàn em ăn chơi phè phỡn cả tuần chẳng hết. Cao hứng, Lý Mãnh cầm cái đùi gà đưa lên miệng cắn giằng một miếng nhai nhồm nhoàm.

Xa xa, hơn chục tên đệ tử của Lý Mãnh đã thu tiền xong, giờ đang lúi cúi bước lại gần.

Tên đại đệ tử bước tới cung kính đưa cho Lý Mãnh bọc khăn điều. Bên trong bọc khăn điều là số tiền y thu được ngày hôm nay. Lý Mãnh cầm kiếm đưa một đường. Tấm khăn được cắt ra ngọt xớt. Kiếm pháp vừa nhanh vừa đẹp khiến đám đệ tử phải xuýt xoa trầm trồ. Đống bạc bên trong lấp lánh xõa lả tả rơi xuống mặt bàn kêu leng keng. Cả đám đệ tử hoa mắt ngây người ra nhìn.

Lý Mãnh nhướng mày nhìn tên đại đệ tử: “Bao nhiêu đây?” Tên đệ tử cúi đầu run run chắp tay: “Dạ thưa sư phụ, chỗ này là hai trăm bảy mươi tám lượng tròn, con đã kiểm đếm cẩn thận”.

Lý Mãnh đưa chén rượu lên miệng nốc cạn. Rồi bỗng nhiên hắn cầm chén rượu đập xuống đất vỡ tan. Thanh kiếm xé gió chém mạnh. Đường kiếm rất độc. Tên đại đệ tử ôm tai kêu thét. Cái tai chưa kịp rơi xuống đất, Lý Mãnh đã vung kiếm chao nhanh như cắt, dùng mình kiếm đỡ lấy cái tai. Hắn nâng chuôi kiếm lên cao cho cái tai trôi dần về phía mũi kiếm, dí thẳng ngay trước mặt tên đại đệ tử: “Mày nói dối một lần nữa, tao cắt nốt tai còn lại”.

Tên đại đệ tử quỳ mọp xuống: “Thưa sư phụ, tháng trước con có nợ tiền ở quán thanh lâu mười lạng. Mụ ma ma đòi tiền ghê quá. Con có giấu riêng lấy mười lạng để trả nợ. Xin sư phụ thứ tội!”

Lý Mãnh nghiến răng: “Mày nói thật đó chứ?”. Tên đại đệ tử dập đầu xuống đất bình bịch, trán tóe máu: “Đệ tử không dám nói sai một lời”.

“Vút”. Kiếm quang lóa mắt! Một cái tai nữa rơi xuống nền đất. Tên đệ tử ôm hai tai lăn qua lăn lại dưới nền tửu quán la hét đau đớn.

Lý Mãnh liếc mắt nhìn tên đệ tử cười khinh bỉ: “Từ đầu đến cuối chợ có cả thảy một trăm lẻ hai gian hàng. Mỗi gian hàng phải nộp cho ta ba lạng, vị chi là ba trăm lẻ sáu lạng bạc cả thảy. Mày đưa ta hai trăm bảy mươi tám lượng. Cứ cho là mày đã lấy mười lạng, vậy mười tám lượng đi đâu? Nói ngay, không lần này tao sẽ cắt lưỡi mày”…

Tên đại đệ tử ráng nhịn đau quỳ mọp dưới đất: “Sư phụ, con lần này con chẳng dám nói sai. Có một tên tiều phu câm điếc ngoài chợ. Con thấy cả gánh củi của y cũng chẳng đáng ba lạng nên không thu tiền. Sáu gian hàng gần đó thấy vậy nên họ cũng kêu nghèo khó, không chịu nộp tiền. Con đang định về thưa với sư phụ. Mười tám lạng là số tiền con chưa thu được chứ con không dám nói dối!”.

Lý Mãnh vớ lấy bình rượu ngửa miệng uống cạn một hơi. Rồi hắn vẫy tay ra hiệu đứng lên. Tên đại đệ tử lóp ngóp bò dậy cúi đầu. Lý Mãnh cười khẩy: “Ngươi đã nói thật, ta cũng tha tội cho ngươi”. Tên đệ tử sợ sệt cúi đầu: “Cảm ơn sư phụ tha mạng. Con xin nguyện làm trâu làm ngựa, gắng gỏi hết sức vì sư phụ”. Lý Mãnh cười nhạt: “Không cần ngươi phải làm trâu làm ngựa cho ta. Chỉ cần ngươi làm một việc”. Tên đệ tử hăng hái ưỡn ngực: “Sư phụ cần gì, xin cứ nói”.

Lý Mãnh làm ra vẻ suy nghĩ rất lung rồi chống tay đứng lên: “Ta cần ngươi trung thực thì ngươi lại nói dối ta. Vậy ngươi hãy tự cắt lưỡi của mình đi. Ta chỉ cần ngươi làm việc đó mà thôi”.

Tên đại đệ tự bàng hoàng. Lý Mãnh gằn giọng: “Sao, nhà ngươi vừa bảo việc gì cũng làm, giờ việc nhỏ đó mà không làm nổi hay sao? Vậy mạng ngươi có đáng giữ không?”

Tên đại đệ tử cầm lấy thanh kiếm, chầm chậm đưa lên miệng, le lưỡi ra. Bất thần y thét lên: “Sát”. Thanh kiếm phóng ra cực nhanh. Bất kỳ là ai nếu ở vào trong tình thế bất ngờ này đều không thoát khỏi kiếm chiêu của y.

Nhưng Lý Mãnh không bất ngờ. Họ Lý lại cũng không phải là “bất kỳ ai”. Hắn là “Thiên nam nhất kiếm”, dĩ nhiên kiếm pháp của hắn có chỗ hơn người.

Kiếm chiêu của tên đệ tử đâm đến sát mặt Lý Mãnh, bỗng y thấy ngực lạnh buốt. Lý Mãnh ra chiêu sau nhưng kiếm của họ Lý lại đến trước, đâm xuyên thấu tim của tên đệ tử. Mũi kiếm của tên đệ tử đâm sượt qua đầu Lý Mãnh vì trong một sát na, họ Lý đã kịp ngả người về đằng sau tránh đòn.

Lý Mãnh rút kiếm. Máu từ ngực tên đại đệ tử tuôn ra như suối. Họ Lý đảo mắt nhìn quanh. Đám đệ tử xung quanh khiếp hãi, mặt xanh như đổ chàm. Lý Mãnh hắng giọng: “Kẻ nào định dối gạt ta, hãy lấy đó làm bài học”. Đám đệ tử dạ ran: “Chúng đệ tử không dám!” Lý Mãnh gật đầu: “Vậy là tốt! Giờ dẫn ta đến chỗ tên tiều phu. Hắn cũng sẽ có một bài học”.

 

Hồi 2 – Tiều phu bí ẩn

 

Tiều phu nửa đứng nửa ngồi, mắt nhìn lơ đãng về phía chân trời xa xăm. Phía chân trời là dòng sông Lô đang uốn mình như một dải lụa trắng phấp phới. Những con sóng đang gầm vang, tung bọt trắng xóa trong ánh nắng mùa đông lành lạnh.

Phiên chợ Táu vô số người qua lại nhưng người ta mua nhiễu, mua điều, mua lụa, chẳng mấy người mua củi.

Nhưng dường như tiều phu không đến đây để bán củi.

Đây cũng là lần đầu tiên, người ta thấy y xuất hiện ở phiên chợ Táu.

Cũng có lẽ vì vậy mà y không biết rằng để có chỗ ngồi đây, y phải đóng cho đám Lý Mãnh ba lạng.

Đám Lý Mãnh đến gần hướng thẳng về phía cửa chợ. Một tên đệ tử hỏi nhỏ: “Thưa sư phụ, gánh củi của tên tiều phu chỉ đáng một lạng, bắt y đóng ba lạng, y cũng chẳng có đủ tiền”. Lý Mãnh trợn mắt tát cho tên đệ tử một cái khiến hắn lăn long lóc.

Vấn đề không phải là ba lạng.

Vấn đề là khi đã có một kẻ không chịu đóng tiền mà vẫn được ngồi, những kẻ khác cũng sẽ lấy đó làm lý do mà không đóng tiền.

Vậy nên nếu không có đủ ba lạng, tên tiều phu sẽ phải lấy mạng ra mà trả.

Đám Lý Mãnh đi đến đâu, dân chợ lùi ra hai bên đến đó. Lý Mãnh dẫn đầu, tay cầm nậm rượu, mặt đỏ phừng phừng, sát khí tưng bừng. Đến chỗ gã tiều phu, Lý Mãnh ra hiệu, lập tức đám đệ tử quây xung quanh.

Tiều phu vẫn nhìn xa xăm về phía dòng sông Lô đang uốn mình sủi bọt. Dường như y chẳng chú ý gì đến xung quanh. Lý Mãnh quan sát, thầm nghĩ: “Tên tiều phu trên người chẳng có binh khí, chắc định dùng gỗ chống lại ta chắc? Phải trừng trị tên này đến nơi đến chốn để dằn mặt đám thương lái trong chợ mới được.

Nghĩ đoạn, Lý Mãnh hắng giọng: “Bán củi không?” Tiều phu vẫn ngó xa xăm: “Củi mang đến chợ, không để bán thì để đốt sao?”.

Lý Mãnh cười khẩy. Tên này ăn nói hỗn hào, càng có lý do để bị trừng trị thích đáng. Họ Lý rút kiếm ra gõ gõ lên bó củi: “Chỗ này giá bao nhiêu tiền?” Tiều phu lơ đãng: “Năm trăm”.

Lý Mãnh cười sằng sặc. Đám đệ tử của hắn cũng a dua cười theo không dứt. Đám dân chợ tò mò dần đứng xung quanh xem. Tiều phu mặt lạnh như băng. Họ Lý nén cơn cười: “Năm trăm đồng cho cho đống củi mục này?”

Tiều phu đáp: “Không phải năm trăm đồng”

Lý Mãnh đang ngửa cổ uống rượu, nghe đến câu trả lời của tiều phu cũng không nhịn được, phì rượu ra cười thêm một trận nữa: “Ý ngươi là năm trăm lạng bạc. Nhà ngươi đã nốc mấy bình rượu rồi vậy?”

Tiều phu thủng thẳng: “Không phải năm trăm lạng bạc. Năm trăm lạng vàng. Nhân tiện, ta chưa uống chén rượu nào”.

Lý Mãnh trợn mắt quát lớn: “Nếu mày không phải là một thằng say, thì chắc hẳn mày là một thằng điên” Tiều phu mỉm cười: “Nể tình ngươi là người đầu tiên hỏi mua củi, ta giảm giá cho ngươi. Hai trăm bảy mươi tám lượng bạc thì sao? Ngươi có đủ ngần đó tiền phải không?”

Lý Mãnh cau mày không hiểu tại sao tên tiều phu lại biết đích xác số tiền hắn vừa thu được. Nhưng rồi hắn thầm nghĩ: “Việc gì phải quan tâm? Cho tên tiều phu này một kiếm là xong!”

Lý Mãnh hít một hơi dài hất hàm: “Ta có đủ số tiền đó. Nhưng tại sao ta lại phải bỏ ra mua đồ của ngươi?” Tiều phu lắc lắc đầu: “Chỗ củi của ta có cả thảy hai trăm bảy bảy thanh, tính ra mỗi thanh một lượng bạc. Lượng còn lại là giá để ngươi trả mua cho mạng sống của ngươi”.

Lý Mãnh nén giận: “Mạng ta giá chỉ có một lạng, chỉ bằng thanh củi mục của nhà ngươi”.

Tiều phu lắc đầu: “Thực ra không được. Mạng ngươi chỉ đáng nửa lạng. Thế nên nên ngươi phải làm thêm một việc nữa để đáng với lạng bạc”

Lý Mãnh mặt bầm tím vì tức giận nắm đốc kiếm hỏi xẵng: “Ngươi muốn ta làm gì?” Tiều phu lạnh lùng: “Ngươi tìm đến từng người đã bị ngươi cướp tiền trong phiên chợ này, chui qua háng họ và dập đầu tạ lỗi, ta sẽ tha mạng cho ngươi”.

Lý Mãnh không nhịn nổi, gầm lên vung kiếm nhắm thẳng đầu gã tiều phu chém mạnh. Tiều phu nhanh như cắt đưa tay vào thắt lưng. Thì ra trong thắt lưng y dấu một thanh diệp kiếm mỏng tang sắc đỏ như máu. Thanh diệp kiếm mỏng mảnh đến mức có thể cuốn quanh người. Kiếm trong tay tiều phu phóng ra nhanh như một con rắn cắn mồi.

Hai kiếm chạm nhau. Lý Mãnh phải lui lại mấy bước. Hắn sững người đôi chút rồi lập tức quát đám đệ tử xông đến. Cả đám lao vào, gươm giáo tua tủa nhằm vào đầu, vào mình tiều phu. Tiều phu tung mình lên không trung rồi lao chúi người xuống, kiếm múa vun vút. Đám đệ tử của Lý Mãnh trúng kiếm, máu văng tung tóe. Mấy tên còn lại khiếp sợ tháo chạy.

Lý Mãnh đứng ngoài quan sát. Hắn chờ đến khi tiều phu gần chạm đất, không có điểm tựa để tránh đòn, hắn sẽ ra tay.

Khi tiều phu rơi xuống, Lý Mãnh đã nhanh chóng từ phía sau phóng ra một chiêu sấm sét. Rơi vào tình cảnh đó, bất kể là ai đều chỉ có nước bỏ mạng.

Nhưng tiều phu không phải là “bất kể ai”. Y là một kiếm khách thượng thặng. Ngay khi kiếm của Lý Mãnh vừa phóng đến, tiều phu đã chống kiếm xuống đất lấy điểm tựa rồi tung mình lên không một lần nữa như một con chim nhạn. Chiêu kiếm của Lý Mãnh đến sau một nhịp nhưng cũng kịp cắt phăng một mảng tóc của tiều phu.

Không chần chừ, Lý Mãnh lập tức nhao theo phóng ra ba chiêu kiếm. Đây là tuyệt chiêu họ Lý cực kỳ đắc ý sáng tạo ra gọi là “Uy mãnh tam kiếm”. Ba chiêu kiếm tuy phóng ra theo thứ tự nhưng kiếm sau mạnh hơn kiếm trước nên hợp lực lại uy mãnh vô song. Tuyệt chiêu này đã khiến Lý Mãnh nổi danh trong tam quân, sau này lại khiến họ Lý hạ sát nhiều kẻ chống đối. Ba chiêu kiếm vút như ba ánh sao băng, chém mạnh vào lưng tiều phu.

Bỗng nhiên tiều phu quặt người tung ra một kiếm trả đòn như chớp giật. Thanh kiếm của tiều phu mỏng mảnh nhưng mãnh lực vô song. Hai kiếm chạm nhau tóe lửa. Lý Mãnh hoa cả mắt, hổ khẩu tê rần vì kiếm lực của đối thủ quá mạnh. Họ Lý còn chưa kịp hoàn hồn thì tiều phu đã tung ra một cước như trời giáng. Lý Mãnh bị đá văng rơi xuống đất đánh bịch.

Tiều phu tiếp đất nhẹ như một chiếc lá đứng trước đầu Lý Mãnh tự lúc nào.

Lý Mãnh choáng váng, mình đau ê ẩm lồm cồm bò dậy, miệng lắp bắp: “Ngươi là ai?”.

Tiều phu không nói. Y rút trong mình ra một miếng ngọc bội màu đỏ, phi thẳng vào mặt Lý Mãnh.

Lý Mãnh cầm lấy viên ngọc bội, giọng hơi run: “Huyết Lệ?

Mấy hôm trước, Lý Mãnh nhận được một phong thư. Trong thư chỉ ghi một dòng chữ duy nhất: “Oan có đầu. Nợ có chủ. Đã đến ngày ngươi phải đền tội” kèm cùng một viên ngọc bội màu đỏ thắm. Bên dưới phong thư ghi danh “Huyết Lệ”.

Lý Mãnh không hiểu mấy nguồn cơn phong thư. Trong đời, hắn đã gây ra biết bao tội lỗi, bản thân hắn chẳng nhớ hết. Hơn nữa, hắn rất tin vào bản lãnh võ công của mình nên chẳng sợ những kẻ giang hồ dọa nạt. Đọc qua, Lý Mãnh chửi bới cái tên “Huyết Lệ” mấy hồi rồi xé tan phong thư. Có lẽ hắn đã quên nếu không nhìn thấy viên ngọc bội đỏ như máu.

Lý Mãnh hít một hơi dài, hét đến khản giọng: “Ngươi đến đây trả thù cho ai?” Huyết Lệ đanh giọng: “Ta đến đây vì Thái sư họ Lê. Nhà ngươi đã làm chứng dối, đổ oan cho người vô tội”.

Lý Mãnh ngước mắt nhìn. Ánh nhìn của hắn chạm vào đôi mắt của Huyết Lệ. Bỗng hắn run bắn người.

 

Hồi 3 – Dâm Đàm bí sử

 

Ngày đó, Lý Mãnh chỉ là một tên lính ngự. Hôm đó hắn ở trong đoàn lính ngự đi cùng vua Lý Nhân Tông du cảnh hồ Dâm Đàm.

Hồ có tên Dâm Đàm bởi sương mù thường dày đặc.

Nhưng hôm nay là một ngày quang đãng. Đi cùng trên thuyền nhà vua là mấy trăm lính ngự. Đám dân chài biết nhà vua ngự giá nên phấn khởi lắm. Bá quan đi thuyền nhỏ hơn, cùng nhà vua ngự cảnh. Hồ rộng, cá nhiều. Nhà vua thích thú, đứng trước thuyền rồng, nhìn đám dân chài quăng lưới đánh cá.

Bỗng nhiên một đám sương mù ùn đến. Phút chốc, xung quanh mặt hồ đều chìm trong một màn sương trắng dày đặc. Bất chợt từ phía thuyền ngự có tiếng gươm giáo va nhau xoang xoảng, tiếng người la hét. Lý Mãnh vội lao đến. Nếu nhà vua có mệnh hệ gì, e rằng hắn và cả đám lính ngự chẳng được toàn thây.

Mọi người nhốn nháo. Trong đám sương mờ, Lý Mãnh thấy thuyền Thái sư tiến lại gần thuyền ngự. Mấy người dân chài cũng tiến đến gần bao quanh thuyền ngự.

Sương dần tan.

Lý Mãnh thấy mấy gã hoạn quan vây xung quanh nhà vua, giọng liến thoắng xoắn xuýt: “Thái sư Lê Văn Thịnh hóa thành hổ định hại vua, may mà có ngư phủ quăng lưới bắt được”.

Lý Mãnh đứng ngây người. Quả nhiên có người trong đám lưới đang bùng nhùng cố thoát ra. Một tên hoạn quan đến bên hắn quắc mắt: “Chính mắt ngươi đã nhìn thấy tên họ Lê kia biến thành hổ định vồ chết Hoàng thượng đúng không? Nói ngay!”

Lý Mãnh khiếp hãi quỳ mọp xuống lắp bắp không nói thành lời. Tên hoạn quan nhìn sâu vào mắt Lý Mãnh quát lớn: “Tên họ Lê kia dùng yêu thuật định hại chết Hoàng thượng, chứng cứ đã rõ ràng, nhà ngươi đã tận mắt chứng kiến mọi chuyện từ đầu đến cuối, giờ hãy ra trói tên phản tặc họ Lê lại, giao cho triều đình mà lĩnh thưởng”

Tia nhìn của tên hoạn quan có điều kỳ lạ.

Lý Mãnh lờ mờ hiểu ra một điều gì đó bí ẩn. Hắn lập tức đứng dậy phi thân sang thuyền Thái sư, gỡ đám lưới ra. Vị Thái sư, kẻ dưới một người, trên vạn người đang nằm co ro dưới sàn thuyền. Tên hoạn quan hét: “Trói y lại. Công đầu thuộc về nhà ngươi đó”.

Lý Mãnh lập tức trói giật cánh khửu Thái sư Lê Văn Thịnh lại. Một đám lính ngự khác đã chuẩn bị sẵn sàng, cũng nhao sang thuyền Thái sư họ Lê, đạp ông quỵ xuống. Thái sư Lê Văn Thịnh cố gượng nhìn hút theo bóng áo vàng của nhà vua. Nhà vua lánh mặt quay lưng lui sâu vào bên trong thuyền ngự.

Một tên hoạn quan vén rèm thuyền ngự, cầm chiếu thư đã được soạn sẵn tự lúc nào, bước ra hắng giọng: “Lê Văn Thịnh dùng yêu thuật, biến thành hổ dữ, định hại nhà vua. Chiểu theo phép nước, tội giết ba họ” Thái sư Lê Văn Thịnh hét lên: “Hoàng thượng, oan cho thần quá!” Tiếng thét của họ Lê như xé tan màn sương mờ còn bảng lảng, vang vọng khắp mặt hồ rộng lớn, xoáy sâu vào màng nhĩ của từng người đang hiện diện trên mặt hồ.

Viên hoạn quan nhướng mày liếc nhìn Lý Mãnh: “Làm cho hắn câm miệng lại”. Lý Mãnh đạp mạnh vào đầu Thái sư. Miệng ông đập xuống ván thuyền, răng cắn phải lưỡi, máu chảy ròng ròng”.

Viên hoạn quan mặt giãn ra tỏ vẻ hài lòng, hắng giọng đọc tiếp: “Tuy nhiên Hoàng thượng khai ân, tha cho gia quyến. Giờ Ngọ ngày rằm, họ Lê cùng đồng bọn sẽ bị hành hình tại Trảm quyết đường. Y chỉ”

Nói đoạn viên hoạn quan lui nhanh vào thuyền ngự. Chiếc rèm vàng rung rinh lay động. Thái sư Lê Văn Thịnh ngước nhìn theo, ánh mắt thê thiết khôn tả, giơ tay khóc lớn: “Oan này trời xanh có thấu!” Lý Mãnh giơ chân đạp thêm một cái. Thái sư văng ra một góc.

Một tên tiểu đồng hét to: “Không được đánh cha ta”. Nói đoạn tiểu đồng nhao đến đỡ Lê Văn Thịnh. Lý Mãnh đang trong cơn say máu, định lao đến đánh tiếp. Thái sư họ Lê vội kéo tiểu đồng ra đằng sau. Bỗng tên tiểu đồng trừng mắt nhìn Lý Mãnh. Ánh nhìn sắc như dao cạo, lạnh như băng khiến họ Lý khựng lại….

***

Có những ánh nhìn ám ảnh người ta cả đời.

Giờ ánh nhìn từ hơn hai mươi năm trước bỗng hiện về bằng da bằng thịt, đang đứng sừng sững trước mặt Lý Mãnh. Họ Lý lắp bắp: “Ngươi chính là đứa tiểu đồng trên thuyền Thái sư, là con nuôi của Lê Văn Thịnh?” Huyết Lệ nhếch mép: “Chính là ta!”.

Lý Mãnh đảo mắt xung quanh nghĩ kế rồi rối rít: “Ngày đó ta bị ép buộc mà thôi. Thực tình ta có nhìn thấy gì đâu? Làm gì có chuyện bậc anh hùng như Thái sư tự nhiên hóa thành hổ dữ hại vua? Ta chẳng qua bị ép buộc nên nhận xằng mà thôi”

Huyết Lệ rít giọng qua kẽ răng: “Ngươi được thăng lên chức Đô đầu cũng là do ép buộc? Ngươi rêu rao rằng chính nhà ngươi đã bảo vệ nhà vua khỏi con hổ dữ Thái sư cũng là bị ép buộc? Ngươi giết người vô tội, cướp bóc dân lành cũng là bị ép buộc?”

Lý Mãnh quỵ xuống dập dầu xuống đất bồm bộp: “Ta chỉ là một kẻ cơ hội, tát nước theo mưa mà thôi, nào có biết gì. Xin tráng sĩ nương tay tha mạng”.

Huyết Lệ trầm giọng: “Ta không lấy cái mạng chó của nhà ngươi làm gì cho bẩn kiếm”.

Lý Mãnh dập đầu: “Tạ ơn tráng sĩ”.

Huyết Lệ hững hờ: “Nhà ngươi hãy làm cho ta một việc”

Lý Mãnh đứng lên: “Tráng sĩ đã tha mạng cho ta, giờ chỉ cần yêu cầu điều gì, ta sẽ gắng hết sức”.

Bỗng nhiên Lý Mãnh thấy hơi chột dạ. Sao đoạn hỏi đáp này giống với những lời hắn vừa nói với tên đại đệ tử đến vậy?

Quả nhiên, Huyết Lệ gằn giọng: “Vậy nhà ngươi hãy tự mình cắt cái lưỡi chuyên đặt điều vu khống của nhà ngươi đi”

Lý Mãnh nuốt nước bọt. Huyết Lệ lạnh lùng: “Ta vừa tha mạng mà nhà ngươi lại tiếc cái lưỡi của mình hay sao?”

Lý Mãnh cúi xuống nhặt kiếm lên. Huyết Lệ chẳng chút phòng thủ. Họ Lý há một le lưỡi ra rồi thét lên một tiếng “Sát!”

Chiêu kiếm cực độc.

Lý Mãnh đã tính kỹ. Chỉ cần Huyết Lệ ngửa người ra tránh đòn, hắn sẽ co cẳng chạy.

Nhưng Huyết Lệ không chạy. Y giơ hai ngón tay trái lên kẹp chặt vào mũi kiếm của Lý Mãnh. Họ Lý cố đâm mạnh nhưng hai ngón tay của Huyết Lệ không nhúc nhích một ly. Họ Lý khiếp hãi buông kiếm quay người chạy. Bỗng hắn thấy cổ mình lạnh lạnh. Thanh diệp kiếm đỏ như máu đã cuốn quanh cổ hắn tự lúc nào.

Huyết Lệ lạnh lùng xuống tay.

Lý Mãnh đổ gục xuống, đầu lăn long lóc giữa chợ, mắt còn mở trừng trừng vì quá ngạc nhiên trước kiếm pháp thần tốc của Huyết Lệ.

Người dân đến phiên chợ Táu chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, ai nấy đều nín thở khiếp sợ. Mấy người bán hàng trong lòng mừng thầm vì tên giặc Lý Mãnh đã chết nhưng cũng không ai dám lên tiếng cảm ơn Huyết Lệ. Ngạo khí của y tỏa ra mạnh mẽ khiến người ta ngại nói chuyện với y, thậm chí ngại cả nói một lời hàm ơn.

Huyết Lệ đứng giữa đám máu me, ngửa mặt nhìn trời cảm khái. Rồi y thủng thẳng bước đến xách đầu của Lý Mãnh, rẽ mọi người bước đi xa dần khỏi phiên chợ Táu.

Mỗi tuần trăng, một mạng người!

Những người liên quan đến vụ án hồ Dâm Đàm lần lượt nhận được viên ngọc bội hình giọt nước màu đỏ. Người ta gọi đó là huyết bội.

Có kẻ coi thường chẳng coi chuyện đó vào đâu.

Có kẻ trốn chạy.

Có kẻ thuê cao thủ bảo vệ.

Nhưng rồi tất cả đều chết dưới tay Huyết Lệ.

Huyết bội như một bản ản tử hình. Còn Huyết Lệ như hiện thân của thần chết.

Chuyện kỳ lạ như vậy ắt hẳn phải khiến thiên hạ xôn xao. Câu chuyện về sát thủ Huyết Lệ cũng từ đó trở nên nổi tiếng, lan truyền như một làn gió, từ vùng Thanh Ba dội đến Kinh thành Thăng Long…

 

4.Song đao vô địch

 

Kẻ dùng đao ở đất kinh thành Thăng Long có rất nhiều người, tuy nhiên chỉ một người dám tự xưng mình là vô địch, đó là Song đao vô địch Dương Chấn.

Dĩ nhiên danh xưng chẳng phải tự nhiên mà có được. Hai mươi năm qua, cả thảy ba trăm ba tám cao thủ đến tỷ đao với Dương Chấn. Sau trận đấu, hai trăm ba sáu kẻ xin thua. Một trăm lẻ hai kẻ còn lại thì bỏ mạng. Sau hai mươi năm, cái danh Song đao vô địch của Dương Chấn đã được khẳng định.

Không những được giới võ nghệ kính nể, Dương Chấn còn làm quan lên tới chức Tổng binh, cai quản một vạn tám ngàn cấm quân trong kinh thành Thăng Long. Điều đáng nói, kể từ khi là một tay lính quèn, giờ leo lên đến chức Tổng binh, Dương Chấn đã làm nhiều việc tội lỗi nhưng chưa bao giờ y bị triều đình quở phạt lấy một câu.

Bởi vì thanh đao của họ Dương lợi hại, cái lưỡi của họ Dương còn lợi hại gấp trăm lần. Cái lưỡi đó giúp y trừ bỏ những kẻ ngáng đường, giúp y được lòng đám hoạn quan đang ngày ngày hầu cận bên Hoàng đế, giúp y có được quan cao lộc dày.

Sống sót giữa chốn sa trường là chuyện không dễ. Sống sót giữa nhưng âm mưu thủ đoạn chốn cung đình còn khó gấp bội phần. Thế mà Dương Chấn hưởng thụ một cuộc sống xênh xang trong nhung lụa giữa làn đao kiếm và âm mưu trong bóng tối, chứng tỏ y không chỉ có võ công hơn người mà còn là một kẻ trí xảo hơn người.

Đám kỹ nữ ở Lệ Xuân Viện còn biết một điều nữa, Dương Chấn cũng là một kẻ phóng đãng hơn người.

Cứ xem buổi hoan lạc hôm nay thì biết. Dương Chấn hai tay khoác hai kỹ nữ, lả lơi cười nói. Một kỹ nữ khác đang bồi tiếp rượu thịt. Một kỹ nữ nữa đang ngồi dưới gảy đàn. Tiếng đàn chỉ để cho có. Bởi những tiếng thở hổn hển, tiếng cười khả ố đã át hẳn tiếng đàn.

Một kỹ nữ sờ tay lên vết sẹo trên ngực Dương Chấn thỏ thẻ: “Kẻ nào dám làm Dương công của thiếp trầy da thế này vậy?”

Dương Chấn xoa ngực: “Thế này mà là trầy da ư? Vết đao này vào sâu thêm ba tấc là ta mất mạng. Đó là vết chém của Sơn Nam đệ nhất đao Đặng Lân”.

Kỹ nữ chu môi: “Ái cha, cái tên họ Đặng đó bản lĩnh ra sao mà dám tự xưng là Đệ nhất đao?”

Dương Chấn cười: “Đao pháp của y không tầm thường. Đặng gia đao pháp không phải tự nhiên mà độc bộ vùng Sơn Nam. Đao pháp của y bao gồm chín chiêu, có cương, có nhu, có ảo, có thực, đúng là đao pháp đệ nhất”.

Kỹ nữ nũng nịu: “Vậy đao pháp của Tướng công hẳn phải có điểm đặc biệt hơn?”.

Dương Chấn ưỡn ngực: “Dĩ nhiên. Đao pháp của Dương Chấn ta có cả thảy Mười ba chiêu. Kim đao Thập tam thức của ta hơn đứt Thiết đao Cửu thức của họ Đặng bốn chiêu. Rốt cuộc hắn đâm được ta một đao khiến ta bị thương nhưng rồi hắn cũng bỏ mạng trước Song đao vô địch của ta”.

Mấy kỹ nữ xuýt xoa vỗ tay thích thú khen ngợi. Một cô bỗng chỉ tay vào thanh đao của Dương Chấn hỏi: “Tên hiệu của ngài là Song đao vô địch, sao chỉ thấy ngài cầm theo có một thanh đao”.

Dương Chấn vùng dậy thong thả tiến đến cầm lấy thanh Kim đao rồi liếc mắt nhìn mấy nàng kỹ nữ: “Các nàng muốn biết sự thật?” Mấy nàng kỹ nữ gật gật đầu nhìn họ Dương tò mò.

Dương Chấn giơ thanh Kim đao lên nói: “Thanh đao là là một đao”. Mấy nàng kỹ nữ nhín thở tròn mắt nhìn. Dương Chấn bỗng cười sằng sặc, cởi phăng quần áo ra: “Một thanh đao nữa ở dưới đây nữa này, các nàng nhìn thấy chưa?”. Mấy kỹ nữ ré lên. Dương Chấn trần truồng như nhộng lùa mấy nàng kỹ nữ lên giường…

***

Tả kiều là cây cầu bên hồ Tả Vọng. Qua Tả kiều độ một dặm đường là Trảm quyết đường. Đó là nơi hành quyết tội nhân của triều đình. Đã bao tội nhân bị trảm quyết nơi đây. Người ta bảo nhiều oan hồn còn vất vưởng xung quanh Trảm quyết đường.

Trời cuối đông.

Mưa phùn.

Gió bấc.

Bình thường Trảm quyết đường đã vắng. Ngày đông, trời nhá nhem tối, con đường đi qua Trảm quyết đường chẳng có lấy một bóng người.

Mỗi lần đi qua Trảm quyết đường, Dương Chấn đều thấy người run lên.

Y vốn không phải là kẻ sợ ma. Một trăm lẻ hai cao thủ chết dưới đao của y nhưng chưa bao giờ khiến y mất ngủ. Nhưng thỉnh thoảng y vẫn mơ về Trảm quyết đường.

Người ta có thể không sợ ma, nhưng ai cũng sẽ phải sợ quá khứ, nhất là khi quá khứ đó có những bí mật đẫm máu.

Dương Chấn đã nhiều lần đi qua Trảm quyết đường, không lần nào y không lé mắt nhìn vào hai chiếc cột gỗ. Đó là hai chiếc cột dùng để trói tội nhân trước khi chém đầu.

Trời chiều chạng vạng nhập nhem. Gió hiu hiu gào thét như tiếng quỷ khóc. Một luồng gió lạnh lùa vào gáy khiến Dương Chấn ớn lạnh. Bất giác y không thể kìm lòng, liếc mắt nhìn vào trong Trảm quyết đường.

Bỗng Dương Chấn run bắn. Giữa hai chiếc cột là một bóng đen đang trừng mắt nhìn. Họ Dương khiếp đảm lao nhanh về phía trước.

Nhưng rồi bỗng Dương Chấn bước chậm lại. Y tay nắm chắc đốc đao, nghiến răng cười nhạt rồi quay đầu tiến thẳng về phía Trảm quyết đường.

Y chắc chắn bóng đen kia không phải là một bóng ma.

Thậm chí bóng đen đó có điều gì thật quen thuộc.

Bóng đen vẫn đứng im. Mưa phùn lất phất. Trời lạnh buốt. Nhưng tia nhìn của bóng đen như muốn thiêu đốt người khác.

Ánh nhìn đó dĩ nhiên là đặc biệt, ai một lần chạm ánh nhìn đó sẽ nhớ cả đời.

Lý Mãnh nhớ ánh nhìn đó, đương nhiên Dương Chấn cũng nhớ ra ánh nhìn đó. Đặc biệt là tại đây, giữa Trảm quyết đường, Dương Chấn lại càng nhớ ánh nhìn đó…

 

5.Trảm quyết đường

 

Một tuần sau sự việc xảy ra trên hồ Dâm Đàm

Dân chúng kinh thành Thăng Long lũ lượt kéo nhau đến quanh Trảm quyết đường xem những kẻ phản loạn bị hành thích.

Câu chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh bỗng dưng biết dùng yêu thuật, biến thành hổ dữ, định hại chết nhà vua khiến nhiều người kinh sợ nhưng cũng khiến nhiều người hồ nghi.

Dương Chấn khi đó chỉ là giữ chức Đội trưởng trong đám ngự binh. Đương nhiên khi đó y cũng chưa có cái danh Song đao vô địch.

Tội nhân được lôi ra giữa khoảng sân rộng. Hai gia nô của nhà họ Lê bị trói vào cột trảm quyết. Còn Lê Văn Thịnh cùng với con nuôi thì bị trói giật cánh khửu, gông đeo trĩu cổ. Riêng họ Lê còn bị một thanh gỗ chặn ngang miệng.

Nhiều người cho rằng thanh gỗ đó để ngăn chặn Thái sư tự cắn lưỡi tự tử.

Có người cho rằng thanh gỗ đó để bịt miệng Thái sư, không cho ông có cơ hội biện bạch.

Tài biện bạch của Thái sư trong thiên hạ nhiều người đã biết. Thời trước, mấy tù trưởng vùng cao đã cắt đất dâng cho Bắc triều. Đến thời Tống, vua Tống muốn chính thức nhập những vùng đất đó vào Bắc phương nhưng Đại Việt không chịu. Khi đó Lê Văn Thịnh giữ chức Thượng thư Binh bộ đã dẫn đầu đoàn sứ bộ, đòi lại được hai châu Quý Hóa và Thuận An thuộc đất Quảng Nguyên về lại đất Đại Việt.

Sứ bộ nhà Tống là Tống Thành Trạch định lấy thế của nước lớn mà lấn át, nói rằng đất của Đại Việt là do mấy viên thổ quan đã tự nguyên dâng cho Thiên triều, giờ không thể trả lại được. Thái sư Lê Văn Thịnh nói: “Đất đó là đất của Đại Việt. Mấy viên thổ quan giữ đất chỉ như người trông nhà. Người trông nhà mang đồ của nhà đi cho người khác, đó là đồ ăn cắp. Chẳng nhẽ Thiên triều lại thích lấy đồ ăn cắp hay sao?“

Trước tài biện bạch của Lê Văn Thịnh và chứng cứ lấn đất rành rành, Tống Thành Trạch chẳng thể chối bỏ, phải cắt đất trả về chủ cũ. Thái sư Lê Văn Thịnh dâng tặng mấy cặp voi Đại Việt để làm quà, họ Tống đành phải ngậm đắng nuốt cay mang về. Nghe nói về đến Biện kinh, họ Tống bị hoàng đế nhà Tống cắt bỏ mọi quan tước vì đã chịu thua, không đấu lý được với sứ bộ Đại Việt. Câu chuyện đó còn được lưu truyền trong dân gian nhà Tống với hai câu hát mỉa mai: “Nhâm tham Giao Chỉ tượng. Khướt thất Quảng Nguyên kim“ (Bởi tham voi Giao Chỉ – Mới mất vàng Quảng Nguyên).

Nhưng giờ, Thái sư Lê Văn Thịnh không nói được. Đứa con nuôi đứng cạnh ông cũng không nói một câu. Riêng hai người gia nô thì luôn miệng kêu oan.

Tên hoạn quan giơ chiếu cao giọng đọc: “Tên Lê Văn Thịnh đỗ đầu trong kỳ thi Minh kinh bác học, làm quan đến phận Thái sư mà không thấm nhuần đạo lý vua tôi, dám dùng yêu thuật, hóa hổ giết vua. May mà Hoàng thượng hồng phúc còn lớn nên thoát chết. Tội thoán nghịch vô đạo đã rõ ràng, đáng phải giết ba họ. Nể tình y từng là thầy dạy, lại có chút công trạng nên Hoàng thượng mở lượng hải hà, tha cho toàn gia và y khỏi tội chết. Lệnh ban đánh một trăm trượng, cắt hết quan tước, đày lên miệt Thao Giang làm phận lính trơn để tỏ rõ lòng nhân từ của Hoàng thượng“.

Người dân thành Thăng Long ở dưới bàn tán xôn xao. Đúng là Hoàng thượng có lòng nhân từ. Tha chết cho cả kẻ định hại mình.

Viên hoạn quan hít thêm một hơi nữa rồi cao giọng đọc tiếp: “Riêng những hai tên đồng đảng định dùng yêu thuật cùng họ Lê hãm hại Hoàng thượng, tội đã rõ rành, chém đầu thị chúng. Y chỉ!“

Hai người gia nô gục xuống gào thét: “Chúng thần bị oan Hoàng thượng ơi. Nào chúng thần có biết làm phép yêu thuật bao giờ?“

Viên hoạn quan liếc mắt. Dương Chấn bước đến cao giọng: “Các ngươi đừng có già mồm. Chính mắt ta ở trên thuyền ngự, nhìn thấy các ngươi làm phép yêu, phun ra sương mù để tên họ Lê kia biến thành hổ dữ định hại chết Hoàng thượng. Các ngươi còn định chối cãi gì? Lính đâu, bịt miệng chúng lại để khỏi bẩn lỗ tai mọi người“.

Mấy tên lính vội chạy lại cầm vải lụa bịt miệng hai tên nô tài. Dương Chấn hướng về phía người dân Long thành nói lớn: “Bọn chúng vốn học phép yêu từ Đại Lý, chuyên hại người bằng yêu thuật. Bọn chúng còn sống ngày nào, dân chúng còn không yên ngày đó“.

Nhiều người dân xung quanh gật đầu đồng tình. Hai người gia nô nước mắt ướt đầm, nhìn quanh cầu cứu. Không ai lên tiếng. Hai người nhìn qua phía Thái sư Lê Văn Thịnh. Chỉ thấy Thái sư nhắm chặt mắt lại. Từ khóe mắt ông chảy ra hai giọt nước mắt nóng hổi.

Dương Chấn vung đao. Hai cái đầu lần lượt rơi xuống.

Người dân Thăng Long, kẻ thì vui mừng vì mối họa phù thủy đã bị trừ bỏ. Kẻ thì trong lòng nghi hoặc bâng khuâng.

Dương Chấn quay lại thấy Thái sư Lê Văn Thịnh sa lệ thì trợn mắt quát lớn: “Nhà ngươi còn chưa biết tội, vẫn còn khóc thương cho đồng đảng hả!“

Bỗng nhiên y im bặt.

Cái nhìn của y chạm vào một ánh nhìn khác. Ánh nhìn của đứa nhỏ đang bị trói đứng cạnh, chính là đứa con nuôi của Thái sư.

Có những ánh nhìn ám ảnh người ta cả đời.

Ánh nhìn của người con nuôi Thái sư họ Lê là vậy, chẳng thể khiến người ta quên được.

***

Dương Chấn bước vào Trảm quyết đường, tiến lại sát hai cọc gỗ dùng để trảm quyết tội nhân, đối mặt với bóng đen.

Bóng đen vẫn nhìn chằm chằm vào họ Dương. Sau hai mươi năm, người con nuôi của Thái sư họ Lê ngày nào giờ đã trở thành một trung niên ngoài ba mươi, mặt mũi khắc khổ nhưng rắn rỏi.

Mọi thứ đã thay đổi. Nhưng tia nhìn vẫn ám ảnh như ngày nào.

Dương Chấn quan sát từ đầu đến chân rồi hắng giọng: “Huyết Lệ”?

Ánh mắt của Huyết Lệ hơi ngạc nhiên. Nhưng rồi chàng trấn tĩnh rất nhanh: “Nhãn lực quả nhiên phi thường”.

Dương Chấn cười khẩy: “Ngay khi nhận được huyết bội và bức thư, ta đã tìm hiểu về nhà ngươi. Ngươi sử dụng diệp kiếm. Lưỡi kiếm rất mỏng, có thể uốn quanh một vòng nên ngươi thường giấu kiếm quanh bụng giả làm thắt lưng. Chuôi kiếm có gắn một viên ngọc lục bảo hình giọt nước. Khi xuất thủ kiếm sẽ bung ra thẳng đứng khiến đối phương bất ngờ chẳng phòng bị kịp”.

Huyết Lệ hắng giọng, có phần rung động: “Coi như ta đã mất yếu tố bất ngờ“.

Dương Chấn cao giọng: “Hơn nữa, kiếm pháp của nhà ngươi chỉ có ba chiêu. Xem ra Huyết Lệ chẳng có mấy hy vọng trước Kim đao Thập tam thức của ta”.

Huyết Lệ cúi đầu rồi chậm rãi: “Nhà ngươi đã điều tra về ta rất kỹ càng”

Dương Chấn cười tự đắc: “Nghiên cứu đối thủ một cách cẩn thận đã là chiến thắng đến một nửa”

Huyết Lệ gật đầu đồng tình. Nhưng rồi vuốt ve viên ngọc lục bảo gắn ở chuôi kiếm đang giấu trong thắt lưng: “Nhà ngươi nói đúng hết mọi chuyện. Có điều viên ngọc này không phải hình giọt nước. Viên ngọc này hình giọt nước mắt”.

Dương Chấn mỉm cười: “Vì vậy mà ngươi lấy tên là Huyết Lệ”

Một tiếng sét rạch ngang trời.

Mưa bỗng lớn dần. Lạnh buốt.

Huyết Lệ rút kiếm ra khỏi người, nói rít qua kẽ răng: “Ngươi nhầm rồi. Bao nhiêu năm ta phải nhìn thấy nghĩa phụ ta hướng về Kinh thành khóc đến chảy máu mắt. Nỗi oan của người quá lớn. Ai có thể giải oan được cho người? Ai có thể trả thù được cho người? Ta luyện kiếm bởi ta muốn báo thù những kẻ đã đẩy nghĩa phụ của ta từ danh phận của một Thái sư đầu triều thành một kẻ lưu đầy, từ một vị anh hùng thành một tên tội đồ. Ta luyện kiếm vì không muốn những giọt nước mắt oan nghiệt phải chảy nữa. Đó là lý do ta lấy ngoại hiệu Huyết Lệ”

Dương Chấn thấy Huyết Lệ rút kiếm, y lập tức rút đao ra đề phòng. Cẩn thận không thừa. Nhất là y đã từng nghe lời đồn về kiếm pháp thần tốc của Huyết Lệ. Tuy nhiên Dương Chấn tin rằng Kim đao thập tam thức của y nhiều chiêu thức hơn, biến ảo hơn. Vả lại trong hai mươi năm qua họ Dương chưa từng nếm mùi thất bại nên y rất tự tin. Hơn nữa, y đã trù tính cẩn thận.

Nắm chắc thanh đao trong tay, Dương Chấn nghiến răng: “Hôm nay ta e không phải là ngày nhà ngươi trả thù. Hôm nay có khi lại là ngày ta nhổ cỏ nhổ tận gốc, diệt tuyệt bè lũ họ Lê”.

Nói đoạn, Dương Chấn đá mạnh vào vũng nước. Làn nước bắn thẳng vào mặt Huyết Lệ. Chân đá, tay đao của Dương Chấn cũng lập tức xuất chiêu nhanh như chớp giật.

“Choang! ” Huyết Lệ dường như chẳng bị làn nước bắn vào mặt làm phân tâm. Chàng kịp vung kiếm chặn đao của Dương Chấn lại.

Ánh mắt của Dương Chấn lóe tia nhìn ngạc nhiên. Huyết Lệ cười gằn: “Ta vừa khóc hận vừa luyện kiếm bao năm. Vũng nước kia của ngươi chẳng thể làm ta hoa mắt. Điều này ngươi đã điều tra chưa?”.

Dứt lời, Huyết Lệ tung ra ba đường kiếm phản đòn. Dương Chấn khoa đao chống đỡ. Y bắt đầu thi triển Kim đao thập tam thức. Đao quang loang loáng như một con kim long đang vùng vẫy tắm dưới trời mưa. Đòn thế của họ Dương thiên về cương mãnh, nội lực hùng hậu. Huyết Lệ bình tĩnh chống đỡ, thỉnh thoảng trả chiêu nhanh như chớp giật. Kiếm chiêu của Huyết Lệ chỉ có ba chiêu Hộ kiếm, Phản kiếm và Công kiếm ba chiêu đó kết hợp với nhau rất linh hoạt, biến ảo khôn lường, thoắt thủ thoắt phản nên chẳng thua sút Kim đao thập tam thức là bao.

Hai bên qua lại đến hơn trăm chiêu. Trời mưa càng lúc càng nặng hạt. Dương Chấn bị nước mưa bắn vào mắt nên đao chiêu của y mất đi một vài phần uy lực. Mưa càng to, Huyết Lệ càng tấn công dữ dội. Khi đối phương xuống sức, đó là khi Huyết Lệ chủ yếu sử dụng Công kiếm. Dương Chấn dần dần thấy quanh mình chỗ nào cũng là kiếm.

Tuy nhiên Dương Chấn là kẻ cơ trí hơn người. Y suy nghĩ rất nhanh: “Đã đến lúc phải sử dụng tuyệt chiêu”. Lập tức y lùi lại hai bước hét lớn: “Ta thua rồi! ”

Huyết Lệ ngạc nhiên. Song đao vô địch Dương Chấn với Kim đao thập tam thức lẫy lừng thiên hạ có thể thua một cách dễ dàng vậy sao? Tuy rằng chàng đang dồn ép đối thủ đến cùng cực nhưng Dương Chấn thừa sức có thể chống trả thêm vài chục hiệp. Trong vài chục hiệp đó, chỉ cần chàng có một sơ hở nhỏ là y có thể ra tay chiếm lấy tiên cơ. Vậy sao giờ y bỗng dưng chịu thua.

Huyết Lệ dừng kiếm nhướng mắt nhìn. Dương Chấn cầm thanh đao phi thẳng xuống nền đất ẩm: “Nếu trời không mưa to như thế này, ta ắt hẳn chẳng chịu thua. Đao pháp của ta chẳng sút kém kiếm pháp của nhà ngươi chút nào! Phải không?”

Huyết Lệ thấy đối thủ buông đao, chàng cũng cắm thanh diệp kiếm xuống đất, nhẹ nhẹ cúi đầu thừa nhận: “Đúng là đao pháp của ngươi không sút kém. Danh xưng Song đao vô địch chẳng phải hư danh. Nhưng rốt cuộc ngươi đã chịu thua”.

Dương Chấn nghiến răng, ánh nhìn đầy vẻ thê thảm. Huyết Lệ lạnh lùng: “Dù ngươi đã tự nguyện thua nhưng ngươi vẫn phải cho ta mượn một vật“

Dương Chấn cười cay đắng: “Ngươi muốn mượn cái lưỡi của ta”.

Huyết Lệ gật đầu: “Cái lưỡi của nhà ngươi đặt điều vu cáo bậc anh hùng, ta cắt lấy nó mang về bên mộ Thái sư để người có thể ngậm cười nơi chín suối”

Dương Chấn cúi đầu: “Cũng đúng thôi. Oan có đầu. Nợ có…” Y hét lớn chữ “Chủ!” rồi phất tay áo. Thủ pháp cực nhanh. Từ trong ống tay áo của họ Dương, một thanh tiểu đao phi ra cực độc.

Hai mươi năm, cũng có vài kẻ võ công cao minh hơn Dương Chấn nhưng y vẫn là người chiến thắng bởi thanh phi đao này. Tiểu đao vừa phi ra trong nháy mắt trúng người Huyết Lệ khiến chàng bật ngửa ra phía sau. Dương Chấn không bỏ lỡ cơ hội, nhanh như chớp chộp lấy thanh đại đao nhao đến chém một chiêu sát thủ thẳng về phía Huyết Lệ.

Bỗng họ Dương thấy cổ họng lạnh buốt. Người y rơi xuống đất như một con chim chết. Huyết Lệ đứng dậy nghiến răng rút thanh phi đao của Dương Chấn ra khỏi vai: “Tại sao ngươi chỉ dùng một đao lại có ngoại hiệu là Song đao vô địch? Đây chính là thanh đao thứ hai phải không? Ta cũng đã chuẩn bị một thanh phi kiếm dành riêng cho nhà ngươi đó!”

Dương Chấn trợn mắt kinh ngạc, chẳng nói lên được một lời.

Huyết Lệ cười nhạt: “Chẳng phải nhà ngươi đã nói nghiên cứu đối thủ kỹ càng đã là chiến thắng một nửa đó hay sao?”

Dương Chấn lập cập bò dậy. Y nắm lấy đốc thanh phi kiếm rút ra khỏi cổ họng mình. Máu từ họng tuôn ra thành vòi. Y bỗng ngửa mặt lên trời cười một tràng như ghê rợn rồi nhìn Huyết Lệ mắt trắng dã: “Đường kiếm của ngươi rất độc. Nhưng phi đao của ta còn độc gấp trăm lần bởi nó được bôi Ngũ tuyệt độc. Ta chết! Ngươi chẳng sống được!”. Nói đoạn y ngã vật xuống dưới làn mưa lạnh buốt.

Huyết Lệ choáng váng. Vết thương ở vai chàng bỗng đau như như bị hàng ngàn con ong cắn. Chàng vội xé áo ra nhìn thương thế. Phần thịt xung quanh vết thương đã bị đen kịt. Quả nhiên thanh phi đao có độc. Chàng vội lê bước lảo đảo đi ra khỏi Trảm quyết đường.

Trời vẫn mưa tầm tã.

 

6.Chùa Tảo Lộ

 

Chùa Tảo Lộ nằm sát bên rìa Bắc hồ Dâm Đàm. Đường xa, chẳng mấy khi có khách đến vãn chùa. Vào trời mùa đông mưa rét này lại càng ít người hơn.

Huyết Lệ mở mắt. Chàng đang nằm trên một chiếc giường gỗ đơn sơ. Bên góc bếp là một nồi thuốc đang lục bục sôi. Mùi thuốc tỏa hương thơm ngát. Một chú tiểu đang ngồi gõ mõ niệm Phật. Sư thầy đang ngồi canh nồi canh nồi thuốc.

Huyết Lệ gắng gượng ngồi dậy nhưng người đau nhức. Chàng bất giác rên lên một tiếng.

Sư thầy ngoảnh lại nhìn chàng khẽ nói: “Trúng phải Ngũ tuyệt độc mà vẫn sống. Mạng lớn lắm!”.

Huyết Lệ vạch áo ra nhìn vào vết kiếm thương. Vết thương sâu hoắm nhưng thịt xung quanh không còn một màu đen kịt nữa. Chứng tỏ độc tố đã được rút ra hoàn toàn. Chàng gắng gượng nói khẽ: “Cảm ơn sư phụ cứu mạng”.

Sư thầy đứng lên nhìn Huyết Lệ chăm chú: “Ta không cứu mạng thí chủ. Thuốc chỉ cứu được một phần. Lòng khao khát sống của người bệnh mới chính là phương thuốc hữu hiệu nhất”.

Huyết Lệ cúi đầu: “Quả vậy. Tôi còn một việc phải làm. Chưa thể chết được!”

Sư thầy hắng giọng: “Như là việc… hành thích Hoàng đế?”

Huyết Lệ bàng hoàng. Sau Song đao vô địch Dương Chấn, chỉ còn một kẻ nữa mà chàng muốn lấy mạng để trả thù cho nghĩa phụ, đó chính là Đương kim Hoàng đế! Điều đó chàng chưa từng bao giờ nói cho ai. Thậm chí chẳng mấy người dám nghĩ tới việc đại nghịch đó. Vậy mà nhà sư này lại biết?

Huyết Lệ vùng dậy. Tuy nhiên sức chàng còn yếu, lại phải ngồi bệt xuống thở dốc. Nhà sư nhìn chàng, ánh mắt lấp lánh cười độ lượng: “Kiếm trong thiên hạ rất nhiều người sử dụng. Nhưng diệp kiếm thì cao thủ chẳng có mấy người. Diệp kiếm mỏng đến mức có thể cuốn quanh người lại càng hiếm có. Thí chủ chẳng phải là Huyết Lệ hay sao?”

Huyết Lệ không biết trả lời ra sao, gục gặc đầu: “Như vậy vẫn chưa có gì là chắc chắn!”

Sư thầy mỉm cười: “Bên trong người của thí chủ còn giấu một viên ngọc bội màu đỏ như máu hình giọt nước, đó chẳng phải là huyết bội hay sao? Như vậy đã chắc chắn chưa?”.

Huyết Lệ không nói, gật đầu thú nhận.

Một cơn gió bấc lùa qua mành chùa mỏng mảnh. Căn phòng lạnh như băng. Từng con sóng trên hồ Dâm Đàm táp vào bờ kêu oàm oạp. Tiếng mõ vẫn dìu dặt. Chú tiểu như không chú ý gì đến xung quanh, vẫn tụng kinh gõ mõ.

Huyết Lệ bất giác co người vì lạnh. Chàng với tay cầm lấy thanh kiếm để bên mình như đề phòng. Sư thầy mỉm cười bảo chú tiểu: “Lửa nhỏ rồi, không đủ nấu thuốc. Con lấy thêm củi vào đây”.

Chú tiểu ngưng tay: “Bạch thầy, củi dùng mấy hôm nấu thuốc giờ đã hết rồi”.

Sư thầy cười: “Củi hết rồi thì lấy bức tượng Phật kia xuống, chẻ ra làm củi đốt mà nấu thuốc”.

Chú tiểu giẫy nảy: “Bạch thầy. Sao có thể chẻ tượng Phật làm củi cho được?”

Sư thầy chau mày: “Có người khắc sẽ có tượng. Không có người thì tượng cũng chẳng để làm gì?”

Chú tiểu ngần ngừ vùng vằng.

Sư thầy nghiêm giọng: “Bức tượng quan trọng hơn hay mạng người quan trọng hơn. Ngươi chẳng nghe: Cứu một người bằng xây bảo tháp bảy tầng rồi đó sao? Trời hết mưa, ta đi đốn gỗ làm bức tượng khác. Còn mạng người làm sao có thể chờ đợi được?”

Chú tiểu leo lên bậc mang một bức tượng nhỏ xuống giọng phụng phịu: “Bức tượng này chẻ ra làm củi cũng chẳng được bao nhiêu đâu”.

Sư thầy cả cười: “Tượng này đốt hết vẫn chưa xong thuốc thì lấy thêm bức tượng khác ở hậu đường ra. Bức tượng đó lớn lắm, đốt phải được mấy canh giờ”.

Chú tiểu không dám nói nữa, chẻ bức tượng ra làm củi rồi đút vào nồi thuốc.

Huyết Lệ ôm thanh diệp kiếm vào lòng. Lửa bùng lên khiến căn phòng ấm áp hơn nhiều. Chàng thiếp đi lúc nào chẳng hay.

***

Huyết Lệ lưu lại chùa Tảo Lộ hai tuần trăng. Chẳng mấy mà vết thương đã được chữa lành, công lực hồi phục hoàn toàn. Dần hỏi chuyện, chàng biết sư thầy tên hiệu là Viên Giác thiền sư.

Huyết Lệ đã sẵn sàng vào Kinh thành một lần nữa. Chàng nai nịt gọn gàng, giấu diệp kiếm vào thắt lưng rồi đưa hai đĩnh vàng tận tay sư Viên Giác: “Cảm ơn sư phụ đã cứu giúp. Tại hạ giờ đã mạnh khỏe. Xin cáo biệt sư phụ.”

Sư Viên Giác nhìn Huyết Lệ: “Thí chủ cáo biệt ta để đi hành thích Hoàng thượng phải không?”.

Huyết Lệ mím môi: “Oan có đầu. Nợ có chủ. Hận thù phải trả mới xong”

Sư Viên Giác lắc đầu: “Oan oan tương báo. Lấy ân báo oán, oan nghiệt khắc tan. Lấy oán báo oán, oán thêm chồng chất, bao giờ mới hết?”.

Huyết Lệ cau mày: “Nói bao giờ cũng dễ hơn làm”

Sư Viên Giác nhìn hai đĩnh vàng: “Thí chủ cho rằng hai đĩnh vàng đó đủ để đền ơn ta đã cứu mạng thí chủ?”

Huyết Lệ vội cúi đầu: “Không dám!”

Sư Viên Giác cười: “Khi thí chủ dưỡng thương ở đây, chỉ cần ta báo quan binh rằng thí chủ chính là Huyết Lệ, là thủ phạm giết Tổng binh Dương Chấn, lại đang có mưu đồ hành thích Hoàng thượng, cái đầu của thí chủ có giá không dưới một trăm lạng vàng đâu”.

Huyết Lệ cười chua chát: “Cái mạng của ta có giá thế sao. Vậy mà một bậc anh hùng cái thế như nghĩa phụ ta, một đời làm quan đến tận chức Thái sư, một lòng tận trung báo quốc, khi chết đi mọi người coi chẳng đáng một xu, còn mang danh là kẻ bất trung, bất nghĩa, muôn thủa bị người ta phỉ báng. Nỗi oan đó không gột rửa thì làm sao nghĩa phụ ta ngậm cười nơi chín suối được?”

Sư Viên Giác cúi đầu. Rồi ông cất giọng: “Như vậy là thí chủ nhất quyết phải hành thích Hoàng thượng bằng được?”.

Huyết Lệ lạnh lùng gật đầu.

Sư Viên Giác cúi đầu, cất giọng nặng nề: “Nếu ta quỳ xuống xin, thí chủ liệu có tha mạng cho Hoàng thượng được chăng?”.

Huyết Lệ nghiến răng lắc đầu.

Sư Viên Giác ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt Huyết Lệ: “Vậy ta đành phải không cho phép thí chủ được ra khỏi khuôn viên chùa này”.

Huyết Lệ cười cao ngạo: “Ta đã muốn đi, chẳng ai cản được”.

Sư Viên Giác cũng cười: “Ta đã muốn cản, chẳng ai đi được”.

Huyết Lệ dậm bước. Kiếm pháp của chàng nổi tiếng là nhanh một phần là nhờ vào khinh công biến ảo của chàng. Chàng né sư Viên Giác, lao thẳng về phía con đường nhỏ bao quanh hồ Dâm Đàm. Nhưng chân chàng mới di chuyển được hai bước thì sư Viên Giác đã nhanh chân chặn ngang đường của chàng tự lúc nào.

Huyết Lệ đổi hướng khác. Sư Viên Giác đuổi theo sát nút. Thoáng chốc bóng nhà sư lại đã đứng chặn trước mặt. Chàng đỏ mặt vì tức giận. Sư Viên Giác thấy bộ dạng của chàng liền mỉm cười: “Đi đâu mà vội. Trời còn rét lắm. Mời thí chủ vào chùa uống chung trà hương sen cho ấm bụng”.

Huyết Lệ hét lên một tiếng rút thanh diệp kiếm ra khỏi người: “Ta không khách khí với ông nữa đâu. Mau tránh ra để ta đi!”.

Sư Viên Giác chậm rãi bước đến góc sân. Ở góc sân là một cây bạch mai lớn, gốc trổ xù xì. Sư Viên Giác cầm lấy chiếc chổi quét sân đang dựa vào gốc cây mai rồi quay lại về phía Huyết Lệ nheo mắt: “Huyết Lệ võ công nổi danh thiên hạ. Ta không thể đấu lại bằng tay không. Tạm dùng chiếc chổi này làm vũ khí vậy!”

Huyết Lệ ngạc nhiên: “Ông dùng chổi, ta dùng kiếm, như vậy chẳng phải ta chiếm phần tiện nghi hơn quá hay sao?”

Sư Viên Giác cười: “Bậc cao thủ tuyệt đỉnh không có vũ khí nhưng xung quanh vạn vật cây cỏ đều có thể trở thành vũ khí. E rằng thí chủ tuy cầm kiếm nhưng chẳng chiếm phần tiện nghi hơn cây chổi của ta là bao”

Huyết Lệ cười khẩy: “Nói bao giờ cũng dễ hơn làm”

Sư Viên Giác cười: “Không sai. Vậy nên làm được rồi mới dám nói!”

Huyết Lệ xuất chiêu. Chàng vẫn mười phần nể phục nhà sư nên ra chiêu rất nhẹ nhàng. Thanh diệp kiếm vùng vẫy giữa tiết trời đầu mùa xuân.

Sư Viên Giác trầm giọng: “Thí chủ không phải khách khí”. Chiếc chổi từ tay nhà sư xuất chiêu lập tức biến hóa cực nhanh, xé toang vòng kiếm quang, nhắm thẳng vào yếu huyệt trên người Huyết Lệ. Huyết Lệ không ngờ chiêu thức của nhà sư lại cương mãnh đến vậy, chàng lập tức dồn hết sức chống trả.

Võ công của Huyết Lệ vốn trước giờ luyện là nhằm sát thương đối thủ, giờ không còn chút gì là khách khí nữa nên đều là những chiêu kiếm giết người. Sư Viên Giác thầm lắc đầu khi thấy những chiêu kiếm đầy sát khí của Huyết Lệ. Kiếm đã nhanh, nhà sư còn nhanh hơn. Kiếm đi đến đâu, chiếc chổi đi đến đó, xoắn xuýt vào nhau, đẹp mắt vô cùng. Chú tiểu đứng tựa vào gốc cây mai, tròn mắt nhìn sư thầy và vị khách quyết đấu.

Huyết Lệ càng đánh càng nóng ruột. Trong đầu chàng ngùn ngụt ý muốn báo thù. Phải bằng mọi cách đánh gục nhà sư để rồi ra tay hành thích Hoàng đế, kẻ đã trực tiếp khiến nghĩa phụ của chàng phải oan ức lưu đày biệt xứ. Càng nghĩ đến hình ảnh nghĩa phụ, kiếm chiêu của chàng càng tàn độc. Luồng kiếm khí ào ạt khiến hoa mai rụng xuống đầu chú tiểu như mưa rơi.

Bỗng sư Viên Giác để hở một điểm yếu ngay ngực. Huyết Lệ lập tức nhận ra ngay điểm sơ hở của đối phương. Tuy nhiên nếu tung ra chiêu kiếm này, nhà sư sẽ bị kiếm đâm xuyên ngực, chắc chắn sẽ bỏ mạng.

Nhưng rồi Huyết Lệ nghiến răng rất nhanh, tung chiêu kết liễu.

 

  1. Viên Giác thiền sư

 

Nhưng dường như sư Viên Giác chỉ chờ có vậy. Diệp kiếm vừa đâm đến, nhà sư đã vung cán chổi. Cán chổi chạm vào mũi kiếm. Chổi làm bằng tre, làm sao có thể chống được thanh kiếm sắc bén. Thanh diệp kiếm lập tức đâm xuyên sâu vào lõi cây gậy, chỉ trong tích tắc nữa là xuyên đến tay cầm của sư Viên Giác và đâm thấu tim ông.

Nhưng trong một sát na ngắn ngủi, sư Viên Giác chờ cho mũi kiếm nằm gọn trong lòng ống tre rồi ông vung mình nhảy quay tròn mấy vòng. Lực thanh kiếm đang đâm thẳng bỗng bị toàn bộ ống tre xoáy mạnh. Thanh kiếm lập tức bị giật khỏi tay Huyết Lệ. Sư Viên Giác nhanh tay đoạt lấy diệp kiếm rồi cười lớn: “Ta tưởng thí chủ xuất thủ nương tình nhưng chiêu kiếm này suýt chút nữa đã lấy mạng ta”.

Huyết Lệ ngơ ngẩn nhìn nhà sư. Chàng cũng không ngờ rằng mình nỡ ra tay tàn độc với người vừa cứu mạng mình đến vậy. Chàng lại càng bất ngờ khi nhà sư vẫn hết sức độ lượng, không có vẻ gì là giận chàng cả. Bầu máu nóng bỗng nhường cho cảm giác hối hận. Huyết Lệ cúi đầu chắp tay: “Đại sư bản lĩnh thật phi thường. Hôm nay tôi thực sự được mở tầm mắt. Đúng là thiên ngoại hữu thiên, võ học mênh mông như bể”.

Chú tiểu chen vào: “Ông làm rơi hết cả hoa mai ra sân, lại còn làm hỏng cả chổi nữa, lấy gì để quét sân đây?”

Sư Viên Giác cười lớn: “Thôi, ta nghỉ tay vào trong uống chung trà”

Sư Viên Giác tự trồng trà, lại tự ướp trà với sen Tây Hồ nên chung trà xanh ngắt một màu ngọc bích. Huyết Lệ ngấp một ngụm trà. Hương sen Tây Hồ thơm dịu lan tỏa qua cổ họng, tỏa ra toàn bộ kinh mạch khiến cơ thể ấm lên đầy sảng khoái như vừa uống qua nước Cam Lộ. Huyết Lệ bất giác khen: “Từ trước đến giờ tại hạ chỉ uống rượu. Nay không ngờ trà lại có vị ngon đến vậy”.

Sư Viên Giác nhìn ra hồ Dâm Đàm, sương giăng giăng rồi nhâm nhi chung trà: “Uống trà mà thấy thực sự ngon, trong lòng phải không còn hỉ nộ ái ố nữa”.

Huyết Lệ bất giác gật gù. Từ trước đến nay trong lòng chàng lúc nào cũng chất chứa hận thù. Nhưng sau cuộc đấu võ vừa rồi, lòng chàng giờ đang thanh thản lạ thường. Sư Viên Giác thấy chàng tỏ vẻ đồng tình liền cười nhẹ: “Kiếm pháp cũng vậy. Để luyện thành kiếm pháp tuyệt đỉnh, trong lòng cũng phải không còn hỉ nộ ái ố mới được!”.

Huyết Lệ chau mày. Nếu là người khác nói, có lẽ chàng chẳng để tâm. Từ trước đến giờ chàng vốn tâm khí kiêu ngạo, lại thêm kiếm pháp tuyệt đỉnh nên chẳng mấy coi những lời khuyên bảo của người khác ra gì. Nhưng giờ người nói là người vừa đánh bại chàng, lại chẳng có vẻ gì là cao đạo rao giảng nên chàng hết sức lắng nghe.

Sư Viên Giác hắng giọng: “Lý Mãnh có sức khỏe hơn người, kiếm pháp cũng không phải tầm thường. Nhưng y là kẻ học võ công để thu lấy lợi. Kiếm pháp của y quẩn quanh để tìm lợi ích cho bản thân nên chẳng thể nào trở thành đệ nhất cao thủ được”.

Huyết Lệ gật đầu: “Lời bàn của sư phụ thật chí lý”.

Sư Viên Giác nói tiếp: “Dương Chấn là kẻ tâm trí cơ mưu, thông minh hơn người, tự luyện thành Kim đao Thập tam thức, đúng là một nhân tài xuất chúng. Nhưng y học võ để cầu danh. Thế nên đường đao tuy rằng rất cương mãnh nhưng có nhiều hoa chiêu, mang tính biểu diễn đẹp mắt làm trọng. Đó là lý do y cũng chưa phải là cao thủ đệ nhất”.

Huyết Lệ mân mê thanh diệp kiếm: “Vậy còn tại hạ thì sao?”

Sư Viên Giác cười: “Thí chủ vì hận thù mà luyện võ. Hận thù khiến người ta có động lực mãnh liệt. Tuy nhiên hận thù cũng khiến người luyện võ chỉ chú tâm vào những chiêu thức giết người nên chẳng thể đạt đến mức lô hỏa thuần thanh, luyện thành kiếm pháp vô địch được!”.

Huyết Lệ mắt nhìn xa xăm: “Vậy muốn luyện thành kiếm pháp vô địch thì phải làm sao?”.

Sư Viên Giác trầm giọng: “Luyện kiếm không vì danh, không vì lợi, chẳng vì hận, chẳng vì thù. Luyện kiếm vì cảm thấy nó như không khí giúp ta thở, như nước để ta uống, như cơm để ta ăn. Luyện kiếm mà trong lòng chẳng vướng bận đến thứ kiếm pháp để vô địch, đó mới chính là thứ kiếm pháp vô địch”.

Huyết Lệ chau mày: “Đại sư nói sao? Tại hạ không hiểu rõ lắm”.

Sư Viên Giác cầm lấy ấm trà, rót vào cốc trà của Huyết Lệ: “Thí chủ uống trà đi”.

Huyết Lệ định cầm lấy chén trà nhưng thấy sư Viên Giác rót mãi, trà tràn cả cả ngoài mặt bàn. Chàng vội nói: “Chung trà đã đầy rồi!”

Sư Viên Giác nhìn thẳng vào mắt chàng: “Tâm cơ thí chủ cũng đầy rồi”.

Huyết Lệ ngạc nhiên chẳng hiểu. Sư Viên Giác cầm lấy chén trà của chàng hắt nước đi rồi rót đầy một chén mới: “Để tiếp nhận được cái mới, phải biết vứt bỏ những cái cũ đi”.

Nói đoạn sư Viên Giác rời bàn trà, ngồi hướng ra phía hồ Dâm Đàm, ngồi vào thế nhập thiền. Huyết Lệ ngơ ngẩn. Chàng định hỏi cho rõ nhưng thấy nhà sư đã nhắm mắt tĩnh trí nên không không dám làm phiền. Mong muốn báo thù rửa hận sôi sục trong lòng chàng nhưng sau khi nói chuyện với nhà sư, mọi thứ như chùng lại.

Một tiếng sét rền vang. Mưa rơi lộp độp. Trời sầm tối. Chú tiểu châm đèn thắp ngọn bạch lạp. Ngôi chùa Tảo Lộ bỗng trở nên đầm ấm lạ lùng. Sư Viên Giác vẫn đang nhập thiền. Chú tiểu giờ ngồi đọc kinh gõ mõ. Trong lòng Huyết Lệ bỗng có một cảm giác thanh bình khôn tả.

Chưa bao giờ lòng chàng có cảm giác thanh bình đến vậy.

***

Mùa xuân chỉ còn lại vài ngày. Cây mai ở sân chùa Tảo Lộ giờ chỉ còn lớm chớm vài bông hoa. Huyết Lệ đang đứng trước mặt sư Viên Giác. Tay chàng cầm diệp kiếm. Sư Viên Giác vẫn cầm cây chổi quét sân. Cán chổi đã được thay bằng một que tre mới.

Huyết Lệ cúi đầu: “Mối thù chưa trả, trong lòng không yên”.

Sư Viên Giác bình thản: “Đạo lý đó âu cũng là điều bình thường, ai cũng hiểu”.

Huyết Lệ chau mày: “Sau khi nghe sư phụ luận bàn về võ học, kiếm pháp của tại hạ đã thay đổi nhiều. Trước đây có ba chiêu kiếm: Hộ kiếm, Phản kiếm, Công kiếm. Giờ tại hạ chỉ có thể sử dụng được Công kiếm, không biết tại sao lại có chuyện kỳ lạ đến như vậy”.

Sư Viên Giác mỉm cười: “Một chiêu kiếm tuyệt đỉnh còn hơn nhiều chiêu kiếm tầm thường. Ai nói rằng Thập tam thức lại hơn ba chiêu kiếm? Ai nói ba chiêu kiếm hơn một chiêu kiếm? Nếu thí chủ tấn công một cách tuyệt đỉnh, e rằng đối thủ chẳng có cơ hội phản công, thế nên Hộ kiếm và Phản kiếm không cần thiết nữa”

Huyết Lệ gật đầu: “Cảm ơn sư phụ đã khai nhãn. Giờ tại hạ sẽ ra tay. Mong sư phụ bảo trọng”.

Sư Viên Giác gật đầu.

Huyết Lệ lập tức xuất chiêu. Trong bao ngày suy nghĩ, chàng đã tự mình loại bỏ những chiêu kiếm không cần thiết trong kiếm pháp của mình. Giờ kiếm pháp của chàng trông thuần phác nhưng chẳng có lấy một động tác thừa, kiếm chiêu vì vậy mà hùng hậu gấp bội.

Sư Viên Giác thấy kiếm pháp của Huyết Lệ quả nhiên đã thăng tiến đáng kể, không khỏi buột miệng khen: “Hảo kiếm pháp”. Rồi nhà sư vung chổi chống đỡ. Động tác của nhà sư cũng rất thuần phác. Kiếm pháp của Huyết Lệ càng lúc càng nhanh hơn nhưng cũng không thoát khỏi được cán chổi của nhà sư. Hai bên qua lại thoáng chốc đã hơn một trăm chiêu. Kiếm phong vun vút. Chú tiểu đứng dưới gốc cây mai xem hai người đánh kiếm mà phải bám chặt vào gốc cây bởi luồng kiếm phong quá mạnh. Hoa mai rụng lả tả như mưa trước sân chùa Tảo Lộ.

Bỗng nhiên Huyết Lệ tung mình lên thật cao rồi chém xuống một chiêu rất mạnh. Sư Viên Giác như đã đoán trước được chiêu thức của Huyết Lệ nên hoành gậy đón đỡ. Diệp kiếm tuy sắc nhưng trong tích tắc lưỡi kiếm chạm vào cây chổi gỗ, sư Viên Giác thường kéo nhẹ tay sang hai bên khiến lực kiếm triệt tiêu. Do vậy mà bao lần kiếm chém vào nhưng chẳng thể nào cắt đôi được cán chổi.

Lần này, khi lưỡi kiếm sắp chạm vào cây chổi, Huyết Lệ bỗng xoay ngang lưỡi kiếm. Sư Viên Giác biến sắc mặt nhưng không kịp xoay trở. Thanh diệp kiếm mỏng như lá lúa chạm vào cây gậy lập tức uốn cong mình. Mũi kiếm theo đó vòng xuống đâm mạnh một nhát vào lưng nhà sư, máu tuôn xối xả.

Huyết Lệ vội thu kiếm nhao xuống đỡ nhà sư. Chú tiểu hét lên: “Sư phụ tôi cứu mạng ông mà ông nỡ xuống tay tàn độc thế nào sao?”.

Sư Viên Giác gượng dậy xua tay: “Không được nói bậy. Thí chủ võ công cao cường, ta đã thua cuộc mất rồi”.

Huyết Lệ quỳ xuống điểm huyệt cầm máu. Rồi chàng sa nước mắt: “Tại hạ có tội. Lấy oán trả ân. Thật đáng chết muôn phần”.

Sư Viên Giác mỉm cười: “Vết thương nhẹ thôi. Dưỡng thương vài ngày là khỏi. Thí chủ đừng nặng lòng”.

Huyết Lệ đỡ nhà sư vào trong chùa cẩn thận. Rồi chàng cầm lấy Lệ thư, cúi đầu: “Hận thù chưa trả, trong lòng không yên. Báo thù rửa hận xong, tại hạ sẽ xin quay về đây tự cắt đầu để tạ tội với sư phụ”.

Sư Viên Giác cười khổ: “Ta cứu mạng thí chủ không phải để thí chủ đi giết người, càng không phải để thí chủ cắt đầu tạ tội với ta”.

Huyết Lệ trào nước mắt, mím miệng cúi đầu.

Sư Viên Giác trầm trọng: “Ta cứu mạng thí chủ bởi thấy tuy thí chủ sát khí đầy người nhưng trong lòng ẩn chứa thiện tâm. Thí chủ đã thắng ta, ta chẳng thể cản thí chủ được nữa. Kiếm pháp của thí chủ từ nay e rằng chẳng mấy ai có thể làm đối thủ”.

Huyết Lệ run run: “Mấy ngày vừa rồi, tại hạ luyện kiếm chẳng phải để trở thành thiên hạ vô địch”.

Sư Viên Giác cười khẽ: “Học kiếm chẳng để thành vô địch nên thí chủ mới luyện thành kiếm chiêu vô địch”.

Huyết Lệ nghiến răng: “Trong lòng tại hạ từ nhỏ đến giờ chỉ có hận thù, luyện kiếm cũng cốt để trả thù mà thôi”.

Sư Viên Giác giọng run run: “Thí chủ trả được mối hận nhưng khiến giang sơn khuynh đảo, xã tắc rối loạn, lòng người ly tán, liệu có đành lòng? Nếu có thể kìm cơn hận thù mà tạo phúc cho giang sơn mấy độ, liệu có đáng không?”

Huyết Lệ cúi đầu không trả lời.

Sư Viên Giác trầm ngâm: “Thử nghĩ đến cảnh Hoàng đế bị hành thích. Các hoàng tử tranh ngôi. Giang sơn Đại Việt mới yên ổn, giờ lại xảy ra cảnh loạn lạc. Chưa kể mối họa phương Bắc luôn rình rập. Quốc gia bất ổn, ngoại bang gây chiến, bao giờ bách tính mới được vui hưởng thái bình?”

Huyết Lệ đứng lên. Chàng chắp tay cúi đầu: “Cảm ơn sư phụ đã chỉ giáo. Giờ là lúc cáo biệt”

Nói đoạn chàng lạnh lẽo quay đầu.

Sư Viên Giác nhìn theo thở dài…

 

8.Hồi kết

 

Nửa đêm.

Hoàng Cung vắng lặng như tờ. Đám quan nội hầu Hoàng đế đang ngồi túm tụm quanh lò sưởi.

Nội hầu áo vàng: “Hoàng thượng mắc bệnh này thật kỳ lạ. Nhìn ai cũng chẳng nhận ra. Xung quanh lúc nào cũng như có mây mù che phủ. Ngự y đã bó tay, bao nhiêu danh y cũng chịu. Giờ sức khỏe ngày càng yếu, e rằng đận này khó qua khỏi!”

Nội hầu áo xanh: “Hoàng thượng đúng là bậc Minh quân. Người cho đắp đê Cơ Xá khiến người dân không bị cảnh lũ lụt, lúa thóc lúc nào cũng đầy đủ, nhà nhà đều no ấm”

Nội hầu áo tím: “Hoàng thượng còn mở khoa thi Minh kinh bác học, chọn được bao nhiêu hiền tài cho quốc gia”.

Nội hầu áo vàng: “Chỉ có điều người đỗ đầu là Thái sư Lê Văn Thịnh rắp tâm phản loạn khiến Hoàng thượng phiền lòng mãi”.

Nội hầu áo tím: “Mọi việc khác thì ta không dám lạm bàn. Riêng việc Thái sư họ Lê bị buộc tội hóa hổ định hại vua ta thấy chẳng thông. Nắm binh quyền trong triều đâu chỉ có nhà vua, còn có cả Thái úy Lý Thường Kiệt, có cả Linh Nhâm Hoàng thái phi nhiếp chính. Dù Thái sư có mưu hại Hoàng thượng trên hồ Dâm Đàm đó thì cũng chẳng thể dễ dàng nắm binh quyền. Huống hồ Thái sư họ Lê từ trước đến giờ vốn là người nghiêm cẩn, công minh, lại còn là thày dạy Hoàng thượng. Một người như thế sao lại có thể bỗng chốc có hành động vô đạo và bất cẩn đến vậy”.

Nội hầu áo xanh: “Này này! Be bé cái mồm. Có biết trong hoàng cung này có ba vạn cặp mắt, chín ngàn cái tai xung quanh không đấy. Lũ chúng mình chỉ phận con sâu cái kiến, biết cái quái gì mà bàn việc quốc gia đại sự? Lũ chúng mình chỉ cần biết Hoàng đế là bậc anh minh, từ khi lên ngôi đến giờ quốc thái dân an, trăm họ thái bình, thế là tốt rồi”.

Nội hầu áo vàng: “Đúng đấy. Việc tranh đoạt trong cung cấm bao đời nay vẫn vậy. Sau cái ngai vàng kia chất đống là máu, là xương. Có điều anh em ta gặp phúc thì có được bậc minh quân. Chứ gặp phải hôn quân thì chẳng những anh em mình khổ, trăm họ lại lầm than, có khi đất nước lại rơi vào tay ngoại bang chứ chẳng chơi”.

Nội hầu áo xanh vẫy vẫy tay: “Thôi, thôi. Nói rồi. Be bé cái mồm thôi. Nói nhăng nói cuội hoài. Có biết nơi đây ba vạn cặp mắt, chín ngàn cái tai hay không? Có muốn giữ nguyên cái đầu trên cổ không đấy”.

Cả ba im lặng. Rồi nội hầu áo tím hắng giọng: “Dầu có khi đã cháy hết, ta sang thay đèn mới cho Hoàng thượng thôi”.

Bên ngoài, Huyết Lệ nghe rõ từng lời của đám quan nội hầu. Thoáng chốc chàng lẻn vào phòng như một làn sương. “Bốp! Bốp!” Hai tên nội hầu thoáng chốc đã bị đánh ngất xỉu. Tên nội hầu còn lại chưa kịp mở miệng hét đã thấy họng tê cứng. Thanh diệp kiếm đã kề ngay sát vào cổ y lạnh ngắt. Huyết Lệ gằn giọng: “Đường đến ngự phòng!”

Viên nội hầu lập cập chỉ đường. Rồi y thấy mắt hoa lên. Huyết Lệ đã điểm huyệt khiến y ngất xỉu.

Ngự phòng vẫn còn chấp chới ánh bạch lạp. Huyết Lệ lẻn bước vào ngự phòng.

Từ long sàng bỗng có tiếng ho khan. Huyết Lệ giật mình. Hoàng đế họ Lý nhỏm dậy đưa tay ra đằng trước giọng khàn khàn: “Thay nến cho ta, ta chẳng nhìn thấy gì cả nữa rồi!”.

Huyết Lệ quan sát. Hoàng đế đang nhìn thẳng vào chàng nhưng ánh mắt như ngây như dại. Chàng thay nến. Hoàng đế nằm lại trên Long sàng vẫn cất giọng khàn khàn: “Sao mọi thứ xung quanh ta mờ ảo đến vậy. Cứ như là ta đang ở trên thuyền giữa làn sương mù ở hồ Dâm Đàm vậy”.

Huyết Lệ nhẹ nhàng rút thanh diệp kiếm ra khỏi người. Hoàng đế họ Lý ho lên mấy tiếng: “Trời sao rét vậy. Ngươi hãy ghi lại, bảo nội cung mang bớt vải lụa không dùng hết, ngày mai mang ra phát cho dân chúng”.

Huyết Lệ không nói một lời. Trời vẫn mưa ào ạt. Hoàng đế kéo chăn lên sát người rồi nói tiếp: “Mưa to thế này, e rằng mùa màng lại thất bát. Nhân tiện ngươi hãy ghi luôn để nội cung mở kho quốc khố, phát gạo cho dân đỡ đói.”

Hoàng đế nói xong thở dốc rồi nằm xuống. Huyết Lệ bước lại gần. Hoàng đế tuy tuổi mới ngoài bốn mươi nhưng mặt mũi hốc hác, mái tóc đã bạc trắng, đôi mắt mờ như phủ một lớp sương bạc. Huyết Lệ giơ đao lên, nhắm thẳng cổ Hoàng đế sẵn sàng ra tay. Bỗng Hoàng đế nhắm mắt lại, hai bờ mi trào ra hai giọt lệ, giọng nghẹn lại: “E rằng ta chẳng sống được bao lâu nữa nội hầu à. Nhà ngươi chép lại lời ta cho khỏi quên. Nếu ta băng hà, việc tang thì chỉ ba ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì cốt phải kiệm ước. Nói với bá quan ta không muốn xây lăng mộ riêng. Có bề gì, cứ để ta hầu bên cạnh tiên đế là được

Huyết Lệ định xuống tay, giờ nghe lời của Hoàng đế lòng chàng bỗng nhiên chùng lại. Đúng là từ khi lên ngôi, đương kim Hoàng đế đã làm nhiều việc tạo phúc cho muôn dân, phía Bắc đánh đuổi giặc Tống, phía Nam bình định giặc Chiêm khiến trăm họ yên ổn.

Lời nói của sư Viên Giác bỗng vang vọng bên tai Huyết Lệ: “Thí chủ trả được mối hận nhưng khiến giang sơn khuynh đảo, xã tắc rối loạn, lòng người ly tán, liệu có đành lòng? Nếu có thể kìm cơn hận thù mà tạo phúc cho giang sơn mấy độ, liệu có đáng không?”

Huyết Lệ nắm chặt đốc kiếm.

Phải chăng khi luyện thành kiếm chiêu vô địch, tâm ý con người cũng thay đổi?

Hay tâm ý con người phải thay đổi, kiếm chiêu vô địch mới được luyện thành.

Ngọn bạch lạp vẫn bập bùng cháy…

Ngự phòng im lặng như tờ…

***

Mấy hôm nay, kinh thành náo loạn.

Một thích khách đã đột nhập vào cấm cung, đánh ngất ba viên nội hầu, đến tận long sàng. Tuy nhiên y không xuống tay hạ sát Hoàng đế mà chỉ để lại một thanh diệp kiếm lưỡi đỏ như máu, chuôi kiếm có gắn một viên ngọc hình giọt lệ. Đó chính là Huyết Lệ.

Khắp nơi quan binh truy lùng tìm bắt thích khách. Nhưng không ai biết y đang trốn ở đâu.

Huyết Lệ đang ở đâu?

Huyết Lệ cầm một chiếc dùi ngồi ngoài sân chùa Tảo Lộ. Chàng đã đẵn về một khối gỗ lớn. Giờ chàng đang đục khắc hình pho tượng Phật để đặt thế vào chỗ pho tượng đã bị chẻ củi đun thuốc hôm nào.

Chú tiểu dìu sư Viên Giác ra ngoài sân chùa. Tiết trời cuối xuân. Nắng ấm. Tia nắng chiếu rọi lên mấy giọt sương đang đọng trên tán lộc cây mai tỏa ra đẹp rực rỡ.

Sư Viên Giác ngắm nhìn cảnh Huyết Lệ đang hì hục đẽo tượng Phật mỉm cười: “Đừng tưởng kiếm pháp vô địch có thể trở thành thợ mộc vô địch”

Huyết Lệ ngẩng lên lau mồ hôi mỉm cười. Dường như từ bé đến giờ chàng mới cười. Nụ cười thanh thản kỳ lạ.

Chú tiểu ngắm sân chùa, lòng bâng khuâng: “Bạch thầy. Sau mấy cơn mưa, giờ hoa mai rụng đầy sân rồi”.

Sư Viên Giác ngước lên nhìn cây mai rồi nói nhỏ: “Xuân đến thì hoa nở. Xuân tàn thì hoa rụng. Đó cũng là lẽ thường. Cũng như cuộc đời chẳng mấy chốc tuổi già sẽ đến. Vạn vật thay đổi, chẳng có gì là bất biến vĩnh cửu cả”.

Chú tiểu gật đầu.

Sư Viên Giác mỉm cười chỉ tay: “Nhưng mà chỗ kia vẫn còn đó một nhành mai đang nở kìa”

Quả nhiên dù trời đã cuối xuân, cây mai khẳng khiu nhưng vẫn còn đó một bông hoa mai đang nở, từng cánh lá mỏng mảnh đang kiêu hãnh vươn mình đón nắng xuân.

Huyết Lệ mỉm cười: “Đừng tưởng hết xuân là hết hoa mai nhé”

Sư Viên Giác cũng mỉm cười.

Chú tiểu lim dim mắt, mỉm cười.

***

Mãn Giác thiền sư là một trong những thiền sư nổi tiếng bậc nhất thời Lý. Có rất nhiều giai thoại kể xung quanh cuộc đời tu hành của ngài. Văn bia chùa Giác Nghiêm có ghi lại ngoại truyện về thân thế của Mãn Giác thiền sư. Theo đó, thiền sư ngoài Phật pháp uyên thâm còn là nổi tiếng là một người giỏi võ nghệ. Tương truyền võ học của ngài do một cao thủ võ lâm truyền dạy lại từ khi còn nhỏ tuổi. Đó âu cũng là một câu truyện truyền kỳ.

Mãn Giác thiền sư có để lại một bài kệ nổi tiếng. Bài kệ có tên Cáo tật thị chúng/Có bệnh nói với mọi người. Bài kệ sau này đã trở thành kiệt tác của văn chương Đại Việt:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Dịch thơ )

Xuân đi trăm hoa rụng rơi

Xuân đến hoa nở thắm tươi xuân thì

Sự đời trước mắt trôi đi

Tuổi già đầu bạc đến kỳ phong sương

Xuân tàn độ, hoa chẳng vương

Cành mai nở trước sân vườn đêm qua

 

9.Vĩ thanh

 

Tuy rằng chính sử vẫn ghi lại câu chuyện “Thái sư hóa hổ” và Thái sư Lê Văn Thịnh vẫn bị coi là kẻ phản nghịch, tuy nhiên trong dân gian, chẳng mấy người tin vào câu chuyện hoang đường trên hồ Dâm Đàm ngàn năm trước.

Sau khi bị đày lên miệt Thao Giang, số phận Thái sư Lê Văn Thịnh ra sao, chẳng sử sách nào ghi lại. Số phận ông đã hoàn toàn bị những trang chính sử quên lãng.

Nhưng người dân luôn có một cái nhìn khác.

Ngày nay, người dân quê ông ở huyện Gia Bình vẫn lập đền thờ, coi Thái sư họ Lê như Thành hoàng làng. Điều kỳ lạ đó là trong gian thờ Thái sư họ Lê có một bức tượng cổ rất đặc biệt, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử điêu khắc Việt, đó là bức tượng một con rồng đang tự lấy hai chân tóm lấy khúc thân, còn miệng từ đang cắn mạnh vào da thịt của mình. Mắt rồng trợn lên, thể hiện vẻ đau đớn mãnh liệt.

Tương truyền rằng mỗi khi có án oan, đêm đêm đom đóm lại bay về dày đặc quanh bức tượng kỳ lạ.

Nhiều nhà nghiên cứu cố giải mã bức tượng nhưng ẩn ý của người nghệ sĩ khi đúc nên bức tượng này vẫn chưa có lời giải chính xác.

Cũng như lịch sử sẽ vẫn luôn có những khoảng mờ, tựa như màn sương hồ Dâm Đàm ngàn năm về trước.

HOÀNG TÙNG

Thăng Long, Xuân Giáp Ngọ

 

Những hình ảnh kỳ lạ về bức tượng Rồng tự cắn mình ở đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh ở làng Gia Bình tỉnh Bắc Ninh là nguồn cảm hứng để tác giả viết nên Huyết Lệ truyền kỳ.

 

Chia sẻ:

Bài viết mới nhất

Gửi tin nhắn của bạn