Truyện dài: Mai hoa kiếm khách truyền kỳ

ĐOẢN THIÊN VÕ HIỆP VIỆT:

MAI HOA KIẾM KHÁCH TRUYỀN KỲ

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm.

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

(Cao Bá Quát)

 

Năm 1400, Hồ Quý Ly soán ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, lật đổ vương triều Trần, lập nên nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu.

Năm 1407, Minh Thành Tổ sai Trương Phụ đem quân sang xâm chiếm Đại Việt. Với chiêu bài “Phù Trần, diệt Hồ”, quân Minh nhanh chóng giành thắng lợi. Cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt. Triều Hồ chấm dứt. Đại Việt một lần nữa rơi vào tay quân xâm lược phương Bắc.

Cũng ở thời kỳ này, vùng đất Thăng Long nổi lên câu truyện truyền kỳ một nhân vật được dân gian gọi là Mai Hoa kiếm khách…

 

Hồi 1: Vân thôn tửu quán

 

Vân thôn tửu quán là quán rượu danh tiếng nhất kinh thành Thăng Long. Toàn bộ rượu của quán đều được lấy từ làng Vân, ngôi làng chuyên nấu rượu đất Kinh Bắc. Chủ quán lại hãm thêm vào vị rượu của làng Vân với mùi sen thơm ngát của Tây Hồ. Mỗi khi bình rượu mở ra, men rượu nồng nàn đượm cùng hương sen thanh khiết lan tỏa khắp nơi.

Vân thôn tửu quán ngày nào cũng tấp nập người.

Nhưng hôm nay thì không!

Hôm nay, toàn bộ Vân thôn tửu quán đã được Đô đầu Lôi Phong bao trọn. Mấy người khách quen đến uống rượu đều bị đám lính dưới trướng của Lôi Phong xua đuổi. Chủ quán rối rít ra xin lỗi khách quen. Mọi người hậm hực đứng ngoài, nhìn đám lính Minh triều đang túm tụm xung quanh họ Lôi. Nghe đồn hắn mới được Thượng thư Hoàng Phúc phong thưởng.

Đô đầu Lôi Phong đang trong cơn cao hứng. Hắn lừ lừ mắt nhìn đám lính, giọng nhòe nhòe hơi rượu: “Ta cứ tưởng bản lĩnh lũ giặc cỏ Giao Chỉ thế nào? Hóa ra toàn một lũ ăn hại”.

Mấy tên lính Minh triều xung quanh hò reo. Lôi Phong rút kiếm ra ra khỏi vỏ. Hắn nhảy tót lên trên bàn rượu, lấy tay vuốt ve lưỡi kiếm: “Nói cho các ngươi biết. Chính thanh kiếm này hôm qua đã lấy mạng của lũ Tam Vô. Ta mới mang thủ cấp của bọn chúng về dâng cho Thượng thư Hoàng Phúc lãnh thưởng”.

Đám lính ồ lên kinh ngạc.

Ở bên ngoài, mấy người khách tìm đến quán rượu cũng giật mình, xì xào bàn tán.

Tam Vô là tên hiệu của ba tên cướp nổi tiếng ở vùng ngoại thành Thăng Long. Sào huyệt của bọn chúng nằm ngay bên sườn ngọn núi Ba Vì. Đứng đầu nhóm cướp là Vô Tâm. Vô Tâm thủ đoạn vô cùng tàn độc, thường hành hạ người ta đau đớn đến tột cùng mới giết. Dưới Vô Tâm là Vô Ảnh, kiếm pháp xuất quỷ nhập thần, người thường có khi chưa kịp nhìn thấy kiếm ảnh của hắn đã mất mạng tự lúc nào. Ngoài ra, còn có Vô Mệnh, đã ra tay là giết cùng diệt tận, không tha mạng bất cứ một ai bao giờ.

Bọn Tam Vô vốn trước đây là thủ hạ thân tín của Hồ Quý Ly. Khi họ Hồ lên ngôi, nhiều tôn thất nhà Trần không phục, nổi lên chống lại nhà Hồ. Hồ Quý Ly mới dùng ba anh em họ Vô chuyên để ám toán những kẻ chống đối.

Sau này, khi quân Minh tiến vào Đại Việt, Hồ Quý Ly bị xử tử, bọn Tam Vô quy tụ với nhau về làm cướp. Chúng chống phá quân lính Minh triều đã đành, lại còn chuyên ức hiếp người dân lương thiện, ai nấy đều căm ghét.

Tuy căm ghét là vậy nhưng chẳng ai dám làm gì lũ Tam Vô. Bọn chúng bản lĩnh võ công cao cường. Đến ngay cả quân lính Minh triều bao lần tấn công sào huyệt, vây bắt bọn chúng mà không được. Những kẻ du thủ du thực thấy thế cũng tìm về gia nhập khiến băng đảng của lũ Tam Vô ngày một hùng mạnh.

Thế mà hôm nay, Lôi Phong nói rằng hắn đã một tay tiêu diệt cả ba tên Tam Vô khiến mọi người ai nấy đều xôn xao bàn tán. Có người thì vui mừng ra mặt vì lũ Tam Vô giờ đã bị tiêu diệt. Có người thì chau mày suy nghĩ bởi tên Lôi Phong này bản chất còn tàn ác gấp mấy lần lũ giặc cướp. Hắn mà nắm quyền lớn trong tay, e rằng người dân chẳng có đất sống.

Lôi Phong thấy nhiều người còn tỏ ý nghi hoặc, hắn quát bảo bọn lính Minh triều cho mọi người vào quán rượu. Ai nấy đều vây quanh xung quanh họ Lôi, xúm xít chờ nghe chuyện.

Lôi Phong vung kiếm múa mấy chiêu rồi hét to: “Để ta kể lại tường tận mọi chuyện cho lũ các ngươi nghe. Ta thấy Thượng thư Hoàng Phúc lo lắng về lũ Tam Vô đến mất ăn mất ngủ, trong lòng mới nghĩ rằng đến cả cái nước Đại Ngu mà Thiên triều ta ra tay còn dẹp tan được thì đám cướp nhãi nhép kia thì có nghĩa lý gì? Ta mới quyết định ra tay!”

Đám lính nhà Minh cười sằng sặc tự đắc. Những người dân Đại Việt đứng dưới tỏ thái độ khó chịu ra mặt.

Lôi Phong không để tâm, hắn tiếp tục: “Ta cầm bảo kiếm, một mình một ngựa đi vào sào huyệt của lũ Tam Vô. Cả ba đứa bao vây quanh ta, tưởng rằng ta chỉ là một thương khách bình thường. Ta mới nói cho bọn chúng biết ta là Đô đầu Lôi Phong. Bọn chúng chắc đã nghe uy danh ta, sợ hãi run rẩy. Ta chỉ mặt bọn chúng nói: “Hôm nay lão gia đến thay mặt Thiên triều lấy mạng chó của lũ các ngươi”. Cả ba tên tức giận gầm lên vung kiếm tấn công ta. Đường kiếm vun vút. Bọn chúng quả nhiên kiếm pháp cũng có điểm độc đáo…”.

Nói đến đây, Lôi Phong vơ lấy bình rượu uống ừng ực. Lũ lính nhà Minh đứng dưới háo hức, sốt ruột giục giã: “Rồi sao nữa? Rồi sao nữa?”

Lôi Phong quệt miệng đẫm rượu, mắt lờ đờ: “Các ngươi có biết tại sao tên ta là Lôi Phong không? Bởi kiếm pháp của ta mạnh như sấm sét, nhanh như gió cuốn. Lũ nhãi nhép Tam Vô làm sao có thể chọi lại nổi với kiếm pháp của ta được?”

Nói đoạn Lôi Phong vung mạnh kiếm xỉa hai đường: “Hai tên Vô Mệnh và Vô Ảnh chỉ mới kịp xuất nửa chiêu kiếm thì đã bị ta đâm thủng họng. Còn tên Vô Tâm thì nhìn thấy hai tên đồng bọn gục chết kinh khiếp run như cầy sấy. Ta mới bảo hắn một câu…”

Đám lính Minh triều xung quanh phấn khích tột độ: “Quả nhiên kiếm pháp siêu quần. Thế ngài nói với tên Vô Tâm điều gì?”

Lôi Phong cười ngạo nghễ: “Ta bảo nếu hắn chịu cúi giập đầu, mở miệng nói ba tiếng “Ông nội tha mạng!”, ta sẽ tha chết cho hắn mà chỉ chặt đứt hai bàn tay hắn để hắn không bao giờ có thể cầm kiếm mà chống lại Thiên triều”.

Đám lính Minh triều xuýt xoa: “Lôi đại nhân quả là bậc nhân nghĩa hơn người. Thế tên Vô Tâm đó có nói gì không?”

Lôi Phong tặc lưỡi, mắt lim dim: “Còn nói gì nữa? Hắn vội vã lúm cúm cúi đầu kêu đến hơn chục lần: “Ông nội tha mạng”. Ta cũng lấy đó làm thương hại, đã định tha mạng cho hắn”. Rồi bỗng nhiên họ Lôi trừng mắt hét lớn như quát vào mặt những người dân Thăng Long đang đứng xung quanh: “Nhưng ai ngờ bản chất dân Giao Chỉ không thể lường được! Nhân lúc ta không để ý, hắn đã bất thình lình vung kiếm tấn công”.

Những người dân bậm miệng tức giận. Còn đám lính Minh triều ồ lên. Lôi Phong giọng dương dương tự đắc: “May mà ta bản lĩnh cao cường tránh kịp đường kiếm tuyệt độc của tên Vô Tâm. Hắn khiếp hãi định tẩu thoát. Ta lập tức vung kiếm đâm xuyên tim tên giặc gian trá”.

Rồi Lôi Phong nhìn sâu vào thanh kiếm, mặt mày bâng khuâng: “Ta không muốn tự xưng là Đệ nhất kiếm nhưng ở cái đất Giao Chỉ nhỏ bé này, kiếm một đối thủ xứng tầm sao khó quá!”

Đám lính Minh triều cười ha hả, vỗ tay rầm rầm tán thưởng.

Bỗng trong góc quán rượu có tiếng cười sặc sụa đầy vẻ khinh thị: “Nhà ngươi kiếm pháp thì chẳng ra gì nhưng tài nói khoác quả nhiên đệ nhất”.

Mọi người đều hướng về phía tiếng cười. Đó là một kẻ bịt mặt, mặc đồ đen kín mít từ đầu đến chân. Y bước lại gần bàn rượu, hướng về phía Lôi Phong, giọng nói phát ra nghèn nghẹt: “Ngươi có biết tại sao Vô Tâm trải qua bao trận đấu, bao lần bị kiếm đâm xuyên tim mà không chết hay không?”

Lôi Phong ớ người ra, không biết trả lời ra sao. Cả đám lính Minh triều cũng im lặng. Bóng đen cười khẩy: “Vì hắn là một kẻ đặc biệt. Tim của hắn nằm bên phải lồng ngực”

Lôi Phong nhảy khỏi bàn rượu đứng xuống đất đối mặt với người mặc đồ đen, mặt đỏ như gà chọi, lớn tiếng quát: “Sao nhà ngươi biết?”

Bóng đen từ tốn: “Vì chính ta đã đâm chết anh em nhà Tam Vô”.

Mọi người xung quanh ồ lên. Bóng đen móc trong người ra một bông hoa mai vàng rượm: “Ngươi nói ngươi đã nhìn thấy xác chết của anh em nhà Tam Vô, chẳng nhẽ không nhận ra vật này?”.

Lôi Phong mặt tái mét, hơi rượu toát ra ướt đẫm cả người. Đúng là hôm trước họ Lôi có tìm đến sào huyệt của Tam Vô thám thính. Nhưng đến nơi thì đám lâu la đã đi đâu hết. Trong trại chính của lũ cướp chỉ còn xác của ba tên Tam Vô đã bị ai đâm chết tự lúc nào. Hắn mới cắt đầu lũ Tam Vô, mang về dâng cho Thượng thư Hoàng Phúc, lại nói khoác lên rằng chính mình đã giết lũ Tam Vô để ra oai lấy thưởng.

Giờ nhìn thấy bông hoa mai, Lôi Phong lập tức nhớ ra trên ngực của lũ Tam Vô đều có một bông hoa như vậy.

Phải chăng đây chính là kẻ đã hạ sát bọn Tam Vô?

Mặt Lôi Phong thoắt đỏ thoắt  trắng, suy nghĩ rất nhanh. Dẫu sao hắn cũng là tay kiếm thượng thặng trong đám quân Minh. Chỉ cần ra tay giết chết kẻ lạ mặt này là có thể diệt khẩu, toàn bộ công lao vẫn trọn vẹn, nào ai biết được sự thật ra sao?

Nghĩ đoạn, Lôi Phong hít sâu một hơi rồi quát to : “Tấn công!”

Đám lính nhà Minh vội nhao đến. Lôi Phong cũng vung kiếm tấn công. Nhưng kiếm của họ Lôi mới ra được nửa chiêu thì cổ họng hắn đã thấy lạnh ngắt. Hai tên lính đứng bên cạnh Lôi Phong đã bị kiếm đâm xuyên tim gục ngã. Bản thân hắn đã bị đối phương chĩa kiếm vào họng. Thanh kiếm mỏng mảnh như lá lúa. Lưỡi kiếm phát ra một luồng sát khí lạnh băng. Kiếm đã lạnh nhưng chỉ trong tay kiếm khách thượng thặng mới có thể phát ra kiếm khí mạnh đến vậy.

Đám lính còn lại cứng đờ vì khiếp hãi. Lôi Phong mặt xanh như đổ chàm. Từ trước đến nay, hắn chưa bao giờ được chứng kiến một kiếm pháp thần tốc đến vậy. Họ Lôi lắp bắp: “Nhà ngươi muốn gì?”

Bóng đen vuốt vuốt tay vào dải lụa tết hình bông hoa mai màu vàng buộc nơi chuôi kiếm cất giọng lạnh lùng: “Hãy dập đầu xuống đất, kêu ba tiếng: “Ông nội tha mạng”, ta sẽ chỉ chặt hai bàn tay mà tha cho cái mạng chó của ngươi”.

Cả quán rượu ồ lên. Mấy người không nén nổi cười lên thành tiếng. Chính những lời khoe mẽ lúc trước của Lôi Phong, giờ đang làm hại hắn. Khuôn mặt họ Lôi trắng bệch. Rồi hắn nhịn nhục lúp cúp quỳ thụp xuống, miệng run rẩy: “Ông nội tha mạng! Ông nội tha mạng! Ông….!”

Tiếng “Ông!” vừa phát ra, Lôi Phong đã lấy hết sức tung ra một chiêu kiếm cực kỳ hiểm ác. Đây là chiêu kiếm tuyệt độc đã khiến bao đối thủ của hắn bỏ mạng.

Bóng đen lập tức lùi lại tiếp chiêu. Hai kiếm chạm nhau tóe lửa. Lôi Phong thấy hổ khẩu nóng rát. Họ Lôi định quay đầu tháo chạy thì bỗng thấy mắt hoa lên. Luồng kiếm quang như một con bạch long đã kịp phạt ngang cổ khiến thủ cấp của hắn rơi xuống đất đánh cộp. Mắt của họ Lôi vẫn mở trừng trừng như ngạc nhiên tột độ.

Đám lính Minh triều run rẩy khiếp hãi. Những người dân Thăng Long đang đứng xung quanh cũng im lặng như tờ. Bóng đen nói to: “Tên Lôi Phong này quen thói ức hiếp kẻ yếu, đã giết rất nhiều người vô tội. Sáu tháng trước, hắn đã hạ sát toàn bộ bảy người trong gia đình thầy lang họ Đinh. Giờ là lúc hắn phải đền tội”.

Mọi người xì xầm. Hóa ra vụ án thảm sát thầy thuốc họ Đinh chính là do tên Đô đầu Lôi Phong này gây ra. Bóng đen cầm bông hoa mai vứt lên xác của họ Lôi. Rồi y lạnh lùng bước ra khỏi cửa Vân thôn tửu quán. Đám lính Minh triều đứng như hóa đá, không dám động cựa mảy may.

Kể từ đó, cứ vài tháng một lần, kiếm khách bịt mặt lại xuất hiện. Mỗi lần chàng xuất hiện là một kẻ mất mạng. Có kẻ là quan lại. Có kẻ là chỉ điểm. Có kẻ là lính Minh triều. Có kẻ là lũ hào phú, dựa thế qua quân mà ức hiếp dân lành. Những kẻ đó đều bị giết công khai, tội trạng được nói rõ giữa chốn đông người.

Mỗi khi giết người xong, kiếm khách bí ẩn đều để lại một bông hoa mai vàng. Người dân thành Thăng Long gọi chàng là Mai Hoa kiếm khách. Chẳng mấy chốc mà câu chuyện về Mai Hoa kiếm khách lan truyền rộng rãi khắp chốn dân gian.

Thượng thư Hoàng Phúc lập tức lệnh sai truy nã Mai Hoa kiếm khách. Bố cáo dán khắp nơi nói rõ: Bất cứ ai có thể mang Mai Hoa kiếm khách đến công đường, dù chết hay sống, đều sẽ được thưởng một ngàn lạng vàng.

Bố cáo dán được mấy tuần nhưng không có ai dám đối mặt với Mai Hoa kiếm khách.

Một hôm, cửa Đông thành Thăng Long xuất hiện một kiếm khách vóc dáng cao lớn, sau lưng đeo một thanh trường kiếm. Hắn đọc xong, cười nhếch mép rồi giật cáo thị xuống vò nát.

Đám lính Minh triều vội đưa kẻ lạ mặt vào yết kiến Thượng thư Hoàng Phúc.

Thì ra kẻ lạ mặt với Hoàng Phúc đã biết nhau từ trước. Hắn chính là Quảng Đông Tam kiếm Trương Hạo.

Trước đây, Trương Hạo là tên cướp nổi tiếng vùng Lưỡng Quảng. Hắn từng phải chịu án tử tù, giam ở biệt ngục đất Quảng Đông. Khi Trương Phụ đem tiến quân vào Đại Việt, họ Trương tình nguyện xin theo. Thấy hắn sức khỏe hơn người, lại có võ công xuất công xuất chúng, Trương Phụ cho hắn làm Tiền bộ Tiên phong.

Khi chinh phạt quân Hậu Trần ở vùng Hoan Ái, Trương Hạo bị Quốc công Đặng Tất dùng kỳ binh đánh cho tan tác, hơn năm ngàn quân dưới trướng đều bị giết sạch. Họ Trương bị khép tội khinh địch, phải chém đầu thị uy trước ba quân. Hắn biết tội nên lén trốn đi. Giờ thấy Mai Hoa kiếm khách bị truy lùng, đám lính Minh triều không ai dám lãnh nhận nhiệm vụ, Trương Hạo mới ra mắt Thượng thư Hoàng Phúc, đoan chắc sẽ giết được Mai Hoa kiếm khách, lấy công chuộc tội.

Hoàng Phúc đã biết tài của Trương Hạo. Nhưng lão thấy họ Trương lưu lạc chốn dân gian đã lâu, không biết kiếm pháp ra sao bèn dò xét: “Những kẻ bị Mai Hoa giết chết đều có bản lĩnh võ công không phải tầm thường”.

Trương Hạo cười khẩy: “Đại quan chớ lo. Trương mỗ đã ra tay, đừng nói là một Mai Hoa chứ mười tên Mai Hoa kiếm khách cũng sẽ gục trước trường kiếm của tôi”.

Hoàng Phúc mừng lắm vẫy tay gọi viên thư lại Dương Tú. Họ Dương vốn sinh trưởng ở Thăng Long, là người Đại Việt. Chàng rất thành thạo việc văn chữ nên lão Hoàng nhận chàng làm thư lại riêng phục vụ trong phủ Thượng thư.

Dương Tú mang vào thư phòng một mâm vàng phủ nhiễu điều. Trên mâm là mười lạng vàng dâng cho Trương Hạo. Dương Tú cầm vàng bước đến trước mặt họ Trương. Bỗng nhiên chàng bị trượt chân ngã quỵ. Mười nén vàng bị hất văng, bay tứ tung lên không trung.

Trương Hạo nhanh như cắt rút kiếm xuất liền mấy chiêu. Kiếm ảnh như sao sa. Thoắt một cái, thanh trường kiếm đập trúng cả mười nén vàng. Điều tài tình là chỗ vàng đều rơi xuống mặt bàn thật gọn ghẽ ngay trước mặt họ Trương. Hắn thu kiếm, cầm lấy chỗ vàng bỏ tọt vào túi, ngửa mặt ngạo nghễ nhìn Hoàng Phúc: “Ngài xem, cái tên Quảng Đông Tam kiếm không phải là hư danh đó chứ?’.

Hoàng Phúc gật đầu thầm thán phục. Dương Tú cúi xuống chân bàn nhặt một lạng vàng kính cẩn hai tay dâng lên Trương Hạo: “Ngài để rơi một lạng vàng này”

Thì ra khi xuất kiếm, Trương Hạo có đâm trượt một nén vàng. Hắn cau mày chộp lấy nén vàng từ tay họ Dương rồi quay ngoắt người bước ra khỏi tướng phủ.

Hoàng Phúc nhìn viên thư lại, cau mày quát: “Nhà ngươi thật hồ đồ”

Dương Tú cúi đầu nhận lỗi rồi lui ra.

 

Hồi 2: Trường Xuân kỹ viện

 

Người dân Thăng Long xôn xao. Giữa Kẻ Chợ, quan quân Minh triều dán một tờ cáo thị lớn: “Quảng Đông Tam kiếm thách đấu với tên giặc Mai Hoa. Giờ Ngọ ngày rằm, hẹn gặp tại đây.”

Ngày rằm.

Trương Hạo cho dựng một võ đài, chờ Mai Hoa xuất hiện. Quân lính bao vây xung quanh võ đài cực nghiêm ngặt. Họ Trương ngồi ở một góc võ đài. Thanh trường kiếm được cắm thẳng xuống đất dựng đứng.

Người dân xúm xít xung quanh chờ xem, bàn tán háo hức vô cùng. Người thì cho rằng họ Trương sẽ bại trận trước Mai Hoa. Kẻ thì nói Mai Hoa sẽ chẳng chịu nổi ba chiêu kiếm nổi danh của Quảng Đông Tam kiếm.

Chính Ngọ.

Mặt trời lên gay gắt. Bóng nắng chiếu thẳng xuống thanh trường kiếm. Mọi người náo nức nhìn quanh.

Không có ai bước lên võ đài.

Quá Ngọ!

Trương Hạo đứng lên hét to: “Các ngươi còn hy vọng vào tên đạo tặc Mai Hoa nữa chăng? Hắn chỉ là một kẻ hèn nhát, không dám đối đầu với Trương lão gia. Cái gan của dân Giao Chỉ không bằng gan chuột nhắt!”

Mọi người ồ lên tức giận. Nhưng đúng là quả thật Mai Hoa kiếm khách không xuất đầu lộ diện. Ai nấy đề tủi hổ ra về.

*

Trường Xuân kỹ viện nổi tiếng đất Thăng Long. Nơi đây có nhiều mỹ nhân, lại thêm tiếng sênh tiếng phách suốt ngày rộn rã, đúng là nơi đệ nhất ăn chơi chốn kinh thành.

Sau buổi thách đấu, không gặp mặt Mai Hoa kiếm khách, Trương Hạo ở lỳ bên trong Trường Xuân kỹ viện. Hắn nốc rượu tỳ tỳ, ăn chơi hưởng lạc thỏa sức. Chẳng mấy mà mười lạng vàng đã hết bay.

Mấy lần mụ chủ quán ý nhị đòi tiền, họ Trương chỉ gằn giọng: “Mụ tưởng quân lính Minh triều để cho cái kỹ viện này được yên chăng? Chẳng qua có ta ở đây, bọn chúng nể mặt nên không quấy rối. Vậy mà mụ lại định đòi tiền ta ư?”

Mụ chủ không dám nói thêm.

Nhưng khi thấy Trương Hạo mỗi tay ôm một kỹ nữ, nằm ngồi chềnh ềnh giữa kỹ viện, say rượu lè nhè, mụ chủ tỏ vẻ khó chịu: “Trương đại quan! Ngài đã ở Trường Xuân viện này được nửa tháng rồi. Hãy trả cho trước cho tôi vài lạng để các em còn có tiền mua rượu cho ngài”.

Trương Hạo trợn mắt: “Mụ khinh lão gia không có tiền à?”

Mụ chủ kỹ viện nén nhịn, xun xoe: “Tôi nào dám có ý vô lễ như thế? Chẳng qua mấy năm nay dân tình nghèo đói, khách khứa thưa thớt, cái thân già này phải căng sức ra mới đủ tiền nuôi nấng các em để phục vụ ngài đó…”

Trương Hạo cười khẩy: “Tiền thì ta đây không thiếu. Đợi đến khi tên Mai Hoa xuất đầu lộ diện, ta lấy chặt lấy thủ cấp của hắn mang lên quan lĩnh thưởng. Lúc đó e rằng đem chất lên người có thể khiến mụ chết ngạt trong đống vàng chứ chẳng chơi.

Mụ chủ kỹ viện làu bàu: “Kiếm pháp của ngài cao minh đến thế sao? Lôi đô đầu lúc trước cũng suốt ngày khoe khoang về kiếm pháp vô địch của mình, ai ngờ chẳng đỡ nổi ba chiêu của Mai Hoa kiếm khách!”

Trương Hạo tức giận vỗ tay xuống bàn rượu. Chiếc bàn gẫy tan. Mụ chủ quán mặt tái mét rối rít xin lỗi. Họ Trương mặt hầm hầm: “Mụ là cái loại ếch ngồi đáy giếng. Trương mỗ đây một mình một kiếm tung hoành ngang dọc đất Trung Hoa rộng lớn mà chẳng có mấy kẻ chịu nổi được kiếm pháp gia truyền của Trương gia. Ta sá gì mấy kẻ nhãi nhép ở cái đất Giao Chỉ nhỏ bé này?”

Mụ chủ quán cúi đầu: “Tôi ngu dốt, không được biết”.

Trương Hạo đứng lên cầm lấy trường kiếm, dương dương tự đắc: “Mười mấy năm đi lại trên giang hồ, ta chỉ cần dùng đến ba chiêu là mọi đối thủ đất Quảng Đông đều khuất phục. Thế nên người ta mới gọi ta là Quảng đông Tam kiếm. Hãy chống mắt mà xem đây”.

Nói đoạn Trương Hạo nhắm vào một kỹ nữ, vung kiếm. Đường kiếm mù mịt như mưa sa. Thoáng chốc bộ xiêm y của kỹ nữ đã bị chém rách nát bươm nhưng mũi kiếm không chạm vào da thịt thiếu nữ đến một phân.

Đám kỹ nữ vỗ tay khen ngợi. Còn họ Trương nở một nụ cười tự mãn.

Bỗng trong góc phòng có tiếng nói lạnh lùng: “Nhà ngươi học nghề làm thợ cắt vải chắc sẽ tốt hơn”.

Trương Hạo dừng kiếm. Hắn ngước nhìn vào góc phòng, quát lớn: “Kẻ nào dám vô lễ?”

Một người mặc đồ đen bước ra, khuôn mặt bịt kín, chỉ lộ đôi mắt sắc lạnh. Trương Hạo nheo mắt nhìn đối thủ: “Ngươi là Mai Hoa kiếm khách?”

Bóng đen cười nhạt: “Chính là ta đây!”

Trương Hạo ngửa mặt lên trời cười sằng sặc: “Thật không ngờ ngươi lại dám tự mình dẫn xác đến đây. Đỡ mất công ta tìm kiếm”.

Mai Hoa nghiêm giọng: “Lẽ ra ta cũng chẳng đến đây làm gì. Nhưng xem ra nhà ngươi mắc tội nghiệt không thể tha thứ”.

Trương Hạo chau mày: “Tội gì?”

Mai Hoa chậm rãi: “Năm năm trước, nhà ngươi đã giết toàn gia nhà phú hộ họ Trần đất Hoan Châu. Không những ngươi cướp đi toàn bộ gia sản của Trần lão mà còn cưỡng dâm vợ và con gái ông ta đến chết. Ngày hôm nay, ngươi phải trả mạng lại cho tất cả mười tám mạng người nhà họ Trần”.

Trương Hạo kinh hãi. Việc hắn giết người cưỡng dâm nhà họ Trần đã được giấu kín kỹ càng, ai ngờ nay lại có người biết rõ. Phải giết người diệt khẩu ngay lập tức kẻo sẽ rầy rà to.

Họ Trương hít một hơi dài, nhìn thẳng vào mặt đối thủ: “Ta lại nghĩ khác. E rằng hôm nay nhà ngươi sẽ phải đi theo lão Trần xuống chầu Diêm chúa”.

Hai bên rút vũ khí. Mai hoa kiếm ngắn hơn hẳn so với trường kiếm của Trương Hạo. Họ Trương ngắm nhìn thanh kiếm mỏng mảnh của đối phương, cán kiếm có một dải lụa buộc thành hình bông hoa mai, không thể tin được là thanh kiếm kia đã uống máu bao nhiêu cao thủ Minh triều.

Trương Hạo rất tự tin vào kiếm pháp của mình. Tuy rằng kiếm pháp họ Trương đất Vân Nam chỉ có ba chiêu nhưng ba chiêu đó lại vô cùng biến ảo, trong chiêu có kiếm, trong kiếm có chiêu, thâu tóm những tinh hoa của võ học Trung Hoa. Lại thêm trường kiếm dài tới năm thước, dài hơn kiếm thường hai thước, có thể dễ phóng kiếm từ xa mà sát thương đối thủ. Đó là lý do từ trước đến nay, chưa kẻ nào nào chịu nổi đến ba chiêu kiếm của họ Trương. Hắn tin rằng Mai Hoa kiếm khách cũng không phải là ngoại lệ.

Trương Hạo xuất kiếm. Chiêu đầu tiên, đường kiếm gồm ba thức, xoáy mạnh vào yếu huyệt trên mặt đối phương. Mai Hoa kiếm khách vung kiếm chống đỡ.

Trương Hạo tung tiếp ra chiêu thứ hai bao gồm sáu thức. Kiếm phóng mạnh mẽ, uy lực mãnh liệt như một cơn lốc xoáy thẳng về phía đối phương.

Giữa đám kiếm quang mù mịt, chỉ thấy Mai Hoa kiếm khách lách mình qua lại đón đỡ từng đường kiếm cực kỳ bình thản. Trước nay, những đối thủ khi vướng vào vòng kiếm quang của họ Trương đều chịu chết do không thể nào nhận ra được đâu là hư chiêu, đâu là thực chiêu. Thực ra kiếm pháp hắn có rất nhiều hư chiêu dùng để làm mờ mắt đối phương, còn lại thực chiêu chỉ nhằm đánh vào yết hầu, đầu và tim đối phương. Tuy nhiên những kiếm chiêu này đều bị Mai Hoa kiếm chặn đứng. Dẫu vậy, chàng chỉ có thể thủ mà chưa tấn công được lại một chiêu nào.

Trương Hạo đã từng gặp tình huống này trước đây. Giờ là lúc thanh trường kiếm của hắn phát huy tác dụng. Khi đối thủ mải mê chống đỡ, họ Trương có thể bình thản quan sát để tung ra độc chiêu kết liễu đối thủ. Hắn tung ra tuyệt chiêu tối hậu, chính là chiêu thức đã dùng khi đỡ chỗ vàng rơi trong phủ của Hoàng Phúc. Chiêu kiếm này bao gồm chín thức, bao bọc toàn bộ chín tử huyệt trên cơ thể của đối thủ. Chiêu kiếm này, ngoài sự linh ảo còn có cả sức mạnh của nội lực hùng hậu bên trong. Trường kiếm dài hơn, chiêu thức tinh kỳ hơn khiến Mai Hoa kiếm khách bị dồn ép lùi sát vào chân tường. Chàng vất vả chống đỡ trường kiếm của đối thủ

Bỗng Trương Hạo hét lên một tiếng đầy phấn khích. Hắn đã thấy Mai Hoa sơ hở ngay ngực. Họ Trương lập tức phóng ra một chiêu kiếm thần tốc. Mũi trường kiếm phóng tới như chớp giật. Mai Hoa vội cúi người tránh né nhưng không kịp. Kiếm tuy không đâm trúng tim nhưng đã đâm ngập lút vai chàng. Trương Hạo cười ha hả đầy phấn khích.

Bỗng Trương Hạo thấy ngực đau nhói. Hắn có thể cảm thấy lưỡi kiếm đang phóng xuyên qua tim mình. Thanh kiếm như tỏa ra một hàn khí đi khắp cơ thể khiến họ Trương lạnh cóng. Mai Hoa kiếm khách đã đâm một kiếm xuyên thấu tim đối thủ. Trương Hạo kinh ngạc. Trường kiếm của hắn dài vậy, kiếm của Mai Hoa đáng lẽ không thể chạm đến ngực. Hắn chậm chậm nhìn xuống.

Thì ra Mai Hoa đã cầm vào bông hoa mai trên dải lụa buộc vào chuôi kiếm và tung ra một chiêu kiếm cực độc. Thanh kiếm được dải lụa buộc vào chuôi thành ra dài thêm, vừa đủ để đâm xuyên tim Trương Hạo. Chàng giật mạnh dải lụa. Trương Hạo ngã quỵ xuống, máu từ tim phun ra phì phì. Mai Hoa rút trường kiếm của đối thủ ra khỏi vai, nghiến răng điểm huyệt cho cầm máu. Rồi chàng quỳ xuống, nhìn sâu vào mắt Trương Hạo: “Trương gia Tam kiếm quả nhiên tuyệt đỉnh. Tuy nhiên ngươi luyện kiếm chẳng chuyên tâm. Nếu chiêu kiếm cuối thật chuẩn xác, mũi kiếm lẽ ra phải đâm ngập tim ta rồi”.

Trương Hạo mắt trợn trừng, miệng lắp bắp mấy tiếng kinh ngạc rồi đổ rập người xuống đất. Đám kỹ nữ khiếp hãi che mặt. Mai Hoa kiếm khách lấy trong người ra một bông hoa mai vàng vứt lên người đối thủ rồi quay mình đi mất hút vào bóng đêm.

Tin tức Trương Hạo bị Mai Hoa kiếm khách giết chết khiến Thượng thư Hoàng Phúc bàng hoàng. Lão nghĩ với bản lĩnh của họ Trương, chỉ cần tìm ra Mai Hoa là hắn sẽ chiến thắng. Ai ngờ tay kiếm lừng danh đất Quảng Đông cũng không chống đỡ nổi với kẻ giấu mặt ở Đại Việt.

Điều khiến Hoàng Phúc đau đầu hơn, đó chính là tinh thần của người dân Thăng Long đang dần trở nên khó lường. Họ coi Mai Hoa kiếm khách như một anh hùng. Đâu đâu người ta cũng bàn tán về tay kiếm bí mật. Đâu đâu người ta cũng nói rằng đám quan lại Minh triều rồi sẽ bị một tay Mai Hoa kiếm khách giết chết. Một vài kẻ còn nói đến việc nổi loạn chống lại Minh triều. Sự việc để lâu thế này, e rằng tinh thần dân tộc của người Việt sẽ trỗi dậy.

Để có thể cai trị vùng đất phương Nam quật cường này không phải chuyện đơn giản. Hàng ngàn năm nay, Trung Hoa tấn công Đại Việt biết bao lần nhưng người dân xứ này luôn biết cách vùng lên giành độc lập. Những chính sách cai trị hà khác của Thiên triều khiến cho lòng dân không phục. Lòng dân không phục thì không có cách nào yên ổn được mảnh đất phương Nam. Mấy năm rồi, sau khi dẹp tan khởi nghĩa Hậu Trần, lòng dân đã có vẻ thuận theo Thiên triều. Nhưng giờ phát sinh ra thêm nhân vật Mai Hoa kiếm khách, khơi dậy tinh thần quật cường của người dân Đại Việt. Nếu không trừ bỏ đi thật sớm, e rằng họa lớn có ngày.

Hoàng Phúc đang chau mày suy nghĩ thì Đại đô đốc Chu Thành bước vào.

Chu Thành có họ với Minh Thế Tổ Chu Chuyên Chương. Hắn có sức mạnh hơn người. Năm mười tám tuổi, họ Chu đỗ Võ trạng, võ công vô địch đất Yên Kinh. Vũ khí hắn sử dụng là thanh đại đao nặng tới ba mươi cân, thường được mọi người xưng tụng là “Trung Nguyên đệ nhất đao”. Khi nhà Hậu Trần nổi lên chống lại Minh triều ở Đại Việt, Chu Thành được cử đi theo cùng đại tướng Trương Phụ, lập nhiều công lớn. Sau khi Trương Phụ được Minh Thành Tổ gọi về, Chu Thành giữ chức Đại đô đốc Giao Chỉ, đứng đầu quân đội Minh triều ở Đại Việt.

Thấy Chu Thành đến nơi, Thượng thư Hoàng Phúc vội sai viên thư lại Dương Tú mang một bình rượu ngon đến để lão tiếp đón Chu Thành.

Qua mấy tuần rượu, nghe Hoàng Phúc giãi bày mọi việc, Chu Thành cười lớn: “Việc cỏn con đó có gì mà Hoàng Thượng thư phải suy nghĩ nhiều. Tôi có cách buộc tên Mai Hoa kiếm khách phải lộ mặt. Chỉ cần hắn dám đối mặt, đại đao của tôi sẽ tiễn hắn về chầu Diêm vương”

Hoàng Phúc trầm ngâm: “Tôi đã biết võ công của Chu Đô đốc độc bộ đất Trung Nguyên, chưa từng có đối thủ xứng tầm. Tuy nhiên, làm thế nào để tên Mai Hoa ra mặt bây giờ?”.

Chu Thành tự tin: “Ngài hãy cho truy lùng toàn bộ trong kinh thành Thăng Long, bắt lấy vài chục người. Lại thông báo rộng khắp là tuần trăng tới sẽ chém đầu toàn bộ nếu tên Mai Hoa không xuất đầu lộ diện. Khi đó, đảm bảo hắn sẽ phải ra mặt. Hắn đã ra mặt rồi thì đại đao của tôi sẽ lấy mạng hắn dễ như trở bàn tay!

Hoàng Phúc băn khoăn: “Kế của tướng quân rất hay nhưng sợ rằng hơi bá đạo. Nếu như Mai Hoa không xuất đầu lộ diện, chúng ta lại tha cho đám dân đen vô tội về, chẳng phải sẽ làm trò cười hay sao?”.

Chu Thành cười ha hả: “Sao lại tha về? Tôi sẽ cho chém đầu toàn bộ. Rồi lại bắt thêm một loạt đám dân Giao Chỉ nữa chém đầu, cho đến khi tên Mai Hoa phải ra mặt thì thôi”.

Hoàng Phúc chau mày: “Vậy ta sẽ phải giết bao nhiêu mạng người vô tội hay sao? Như thế làm sao truyền được cái đức lớn của Hoàng thượng xuống người dân vùng đất phương Nam này được?”

Chu Thành cười lớn: “Phúc đức của Thiên triều dành cho người dân Trung Hoa còn chẳng đủ, lấy đâu thừa thãi mà mang xuống cho lũ phản loạn này? Ngài cứ yên tâm theo kế của tôi, đảm bảo tên Mai Hoa kiếm khách kia sẽ chẳng có đất mà chôn…”

Nói đoạn, Chu Thành cầm chén rượu lên uống cạn. Viên thư lại Dương Tú mang thêm rượu vào. Bỗng y vấp chân phải chiếc ghế ngã nhào, rượu bắn ra tung tóe về phía Chu Thành. Họ Chu lập tức rút đao múa một đường nhanh như chớp giật. Chỗ rượu bị đao đánh bạt đi vào vách tường, không rơi vào người đến một giọt. Hoàng Phúc quắc mắt mắng Dương Tú. Viên thư lại vội dập đầu tạ lỗi.

Chu Thành cáo từ ra về. Hoàng Phúc nhìn theo, lắc lắc đầu: “Nếu Mai Hoa kiếm khách không xuất đầu lộ diện, e rằng Thiên triều còn có phúc. Nếu hắn xuất hiện, sợ rằng mảnh đất phương Nam này vượng khí vẫn còn, khó lòng mà khuất phục được”.

Rồi lão Hoàng nhìn xa xăm lên trời: “Vùng đất Lam Sơn đang có kẻ nổi lên tên là Lê Lợi, giờ tinh tú tụ hết về đó, chẳng nhẽ tên hào trưởng thô kệch họ Lê này lại có khí chất đế vương hay sao?”.

 

Hồi 3: Mai Hoa kiếm khách là ai?

 

Pháp trường đã dựng xong xuôi. Đô đốc Chu Thành đã lùng bắt khắp kinh thành Thăng Long, bất cứ ai có dù chỉ một bông hoa mai trong nhà đều bị bắt. Hôm nay, cả thảy có gần trăm người bị giải ra pháp trường. Hoàng Phúc cùng viên thư lại Dương Tú đứng bên trên nhìn xuống thấy dân thành Thăng Long vây kín xung quanh.

Bên dưới, Chu Thành hét to: “Ta biết trong số các ngươi không có kẻ nào là Mai Hoa kiếm khách hết. Nhưng nếu tên giặc Mai Hoa không xuất hiện, ta sẽ chém đầu tất cả, coi như các ngươi chết oan vì hắn”.

Đám đông hò hét, chửi rủa đám lính Minh triều. Đến giờ, Chu Thành nhìn ngó xung quanh. Mai Hoa kiếm khách không xuất hiện. Chu Thành nhíu mày quát to: “Trảm!” Đoạn hắn cầm kim bài vứt xuống đất. Đám đao phủ đao tuốt trần sẵn sàng chém đầu đám người vô tội.

Bỗng có một tiếng “Keng!” vang lên. Một bóng đen bịt mặt lao vút người tới như một con chim nhạn đứng giữa pháp trường. Y đá văng kim bài lên trời rồi tung mình lên bắt gọn trong tay.

Chu Thành rút đại đao ra khỏi vỏ, cười lớn: “Mai Hoa kiếm khách?”.

Bóng đen gật đầu.

Phía bên, Hoàng Phúc thở dài. Viên thư lại Dương Tú thì tỏ ra hoang mang tột độ, vẻ mặt lúc trắng lúc hồng.

Chu Thành cầm chắc đại đao trong tay. Tưởng Mai Hoa kiếm khách ghê gớm thế nào, hóa ra là một kẻ trông nhỏ con và ẻo lả đến tệ hại.

Mai Hoa kiếm khách nói, giọng rin rít kỳ lạ: “Lũ giặc Minh các ngươi từ khi xâm lược Đại Việt đã giết hại biết bao người dân vô tội. Nhà ngươi hãy dập đầu lạy tạ toàn bộ người dân đất Thăng Long đang đứng xung quanh đây, xin lỗi vì đã cướp bóc của cải, hãm hiếp gái nhà lành trong gần chục năm qua. Ta sẽ xem xét mà tha cho cái mạng chó của ngươi”.

Những người dân Thăng Long nghe rõ từng lời của Mai Hoa kiếm khách trong lòng nô nức, hò reo cổ vũ chàng nồng nhiệt.

Chu Thành lập tức xuất chiêu. Quả nhiên xứng danh “Trung Nguyên đệ nhất đao”, đường đao uy lực mãnh liệt, sắc nét khác thường. Mai Hoa vung kiếm đón đánh. Hai bên qua được hai mươi chiêu, cát bụi bay mù.

Hoàng Phúc quan sát thấy Chu Thành dần dần chiếm ưu thế. Họ Chu biết đối phương sức yếu nên tìm mọi cách cho đại đao va chạm với kiếm nhằm tiêu hao sức lực của đối thủ. Mai Hoa kiếm khách càng lúc càng tỏ vẻ đuối sức, đường kiếm dần rối loạn. Chu Thành dồn toàn lực tấn công. Mai Hoa yếu ớt chống trả.

Trong một phút sơ hở, Chu Thành chém mạnh một đao giữa đầu đối thủ. Mai Hoa giương kiếm đỡ đòn. Tuy nhiên nội lực của họ Chu vượt trội. Thanh kiếm bị đại đao đánh văng khỏi tay, bắn tung ra một bên. Hắn nghiến răng tiếp tục ra tay. Đại đao chém xuống. Mai Hoa nhắm mắt chờ chết.

“Choang!”

Chu Thành thấy hổ khẩu tê dại. Đại đao của hắn đã bị chặn lại.

Người chặn đao của Chu Thành chính là viên thư lại Dương Tú.

Chu Thành ngạc nhiên: “Nhà ngươi….? Nhà ngươi… ?”

Dương Tú lại mỉm cười: “Ta mới chính là Mai Hoa kiếm khách. Hàng ngày, ta lưu giữ tài liệu, biết hết tội trạng của lũ giặc Minh các ngươi nên đã đóng giả làm Mai Hoa kiếm khách để trừ diệt những kẻ đáng chết”.

Rồi Dương Tú quay sang phía bóng đen: “Ngươi là ai? Tại sao lại đóng giả ta?”

Bóng đen gỡ khăn bịt mặt, mái tóc mây xõa ra. Đó là một mỹ nhân tuyệt sắc. Cả Dương Tú và Chu Thông đều ngỡ ngàng. Cô gái nhặt kiếm đứng dậy: “Ta là Lệ Chi. Bình Định Vương Lê Lợi sai ta đến đây tìm mời Mai Hoa kiếm khách về cùng tham gia khởi nghĩa chống giặc Minh. Ta tìm mãi không được nên mới nghĩ cách đóng giả, vừa để cứu người, vừa để dụ y ra mặt. Tưởng Mai Hoa phải là người hiệt kiệt thế nào, ai ngờ lại là một thư sinh trói gà không chặt như ngươi”.

Dương Tú cười lớn. Rồi chàng nhìn Chu Thành dõng dạc: “Chu đô đốc, ta có một giao hẹn, ông có nghe hay không?”

Chu Thành nghênh mặt không trả lời.

Dương Tú tiếp lời: “Nếu tôi thắng, ông hãy tha tội cho mọi người”.

Chu Thành nheo mắt: “Còn nếu nhà ngươi thua?”

Dương Tú cười: “Ông không cần phải tính đến chuyện đó. Hôm nay ông sẽ bại trận”.

Chu Thành cười sằng sặc, mắt ngầu đỏ như muốn ăn tươi nuốt sống địch thủ.

Dương Tú vẫn còn hơi bị thương ở vai. Tay kiếm của chàng vẫn chưa hồi phục lại được hoàn toàn. Hôm trước, chàng vờ đánh đổ vò rượu để xem đao pháp của Chu Thành. Đao pháp đó quả nhiên tuyệt diệu, hầu như không có sơ hở. Tuy nhiên, chàng biết họ Chu là người nóng nảy. Chỉ cần hắn tức giận, tâm lý sẽ loạn. Tâm loạn, đao sẽ loạn. Đó là lúc chàng có thể ra tay.

Chu Thành nghiến răng xuất chiêu, đòn tấn công cực kỳ mãnh liệt. Dương Tú không dám đỡ trực tiếp vào đao mà dùng thân thủ biến ảo cố né tránh. Thỉnh thoảng chàng phản đòn cực kỳ thần tốc. Đại đao của Chu Thành nặng hơn đao thường nên có lực rất mạnh. Nhưng nhược điểm là đại đao xoay chuyển chậm chạp hơn thanh kiếm mỏng mảnh. Mỗi lần Dương Tú phản đòn là họ Chu lại giật mình, không thể toàn tâm tấn công được. Càng đánh, Chu Thành càng cáu giận, hò hét vang trời. Dương Tú càng đánh càng tĩnh, kiếm pháp uyển chuyển như nước chảy hoa trôi, lấy tĩnh chế động, lấy nhu chết cương. Hai bên qua lại hơn trăm chiêu mà vẫn bất phân thắng bại.

Thấy tình hình bất ổn. Hoàng Phúc phất tay áo. Lập tức đám lính Minh triều áp sát xung quanh Dương Tú. Thấy đám giặc Minh ỷ đông hiếp yếu, người dân thành Thăng Long tức giận la ó rầm trời. Lệ Chi lập tức cầm kiếm ra chặn bọn lính lại. Đám lính Minh triều không địch nổi, chẳng mấy đã bị đánh tan tác.

Chu Thành thấy đồng bọn lần lượt gục ngã, trong lòng sốt ruột. Hắn lại sợ Lệ Chi sẽ chung tay vào vây đánh nên muốn kết thúc cuộc đấu thật nhanh. Họ Chu tung liền ra tuyệt chiêu tối hậu, đường đao cực kỳ mãnh liệt như một tấm màn lưới chụp thẳng lên người đối phương. Dương Tú không thể tránh đòn, phải vung kiếm lên chống đỡ. Sức mạnh ngọn đao quả nhiên phi thường. Thanh kiếm tuy đỡ được đao nhưng oằn xuống tưởng như đang phải chịu áp lực ngàn cân. Chu Thành dồn toàn lực ép xuống. Kiếm của Dương Tú bị đại đao ấn xuống sâu dần, sâu dần. Rồi thanh đao cứa mạnh vào vai của họ Dương. Máu của chàng phọt ra ướt đẫm áo. Mắt Chu Thành long lên đỏ ngầu vì phấn khích, chỉ cần thêm chút nữa là đối thủ sẽ cụt mất một cánh tay.

Bỗng Dương Tú thét lên một tiếng. Bàn tay còn lại của chàng vòng lên tóm chặt sống đao. Đao không thể hạ xuống sâu thêm. Trong chớp mắt, Dương Tú tung chân đá mạnh một cước vào mặt Chu Thành khiến hắn tối mặt tối mũi. Họ Chu vừa lồm cồm định bò dậy thì Mai hoa kiếm đã chạm vào cuống họng hắn lạnh ngắt. Chu Thành mặt cắt không còn giọt máu, nhắm mắt chịu chết.

Dương Tú nhìn địch thủ, nghiêm giọng: “Chu đô đốc hãy giữ lấy lời hứa, bảo binh lính tha cho những người vô tội”.

Chu Thành vội quát đám đao phủ thả tội nhân ra. Dương Tú nhìn họ Chu gật đầu: “Xin đa tạ!” Chu Thành cúi gục đầu xuống đất, tủi hổ không dám ngước lên nhìn.

Dương Tú quay lại phía Lệ Chi. Chàng nói: “Ta đã nghe tiếng Bình Định Vương Lê Lợi từ lâu. Giờ thân thế Mai Hoa kiếm khách đã bị bại lộ. Nay xin cùng cô đi Lam Sơn một phen”.

Bỗng Lệ Chi hét lên kinh hãi. Rồi nàng lao tới đẩy Dương Tú ngã sang một bên. Họ Dương còn đang bàng hoàng thì đã thấy Chu Thành phóng một đao xuyên qua người cô gái. Thì ra nhân lúc chàng quay lưng lại, Chu Thành đã âm thầm nhặt lấy đại đao tung ra đòn sát thủ. Lệ Chi đẩy chàng ra hứng trọn ngọn đao của họ Chu.

Dương Tú gầm lên một tiếng, Mai Hoa kiếm xẹt tới như một ánh sao băng. Chu Thành định rút đao ra khỏi người Lệ Chi để đón đỡ nhưng cô gái Đại Việt đã dùng chút tàn lực nắm chặt, giữ cho thanh đao nằm im trong người mình. Trong chớp mắt, Chu Thành thấy đầu nhẹ bẫng. Thủ cấp của họ Chu rơi đánh cộp xuống nền đất Thăng Long.

Dương Tú lao tới ôm đỡ Lệ Chi. Nàng nhìn chàng, môi mấp máy: “Thế là thiếp không dẫn chàng lên Lam Sơn yết kiến Bình Định Vương được rồi”. Dương Tú ứa nước mắt: “Tại sao nàng lại chết vì ta”. Cô gái chỉ mỉm cười rồi nhắm mắt.

Dương Tú ôm xác Lệ Chi, phóng mình lên thẳng đến trước mặt Hoàng Phúc. Họ Hoàng kinh sợ, mặt tái xanh. Dương Tú chỉ nhìn sâu vào mắt lão, giọng trầm ngâm: “Tôi thấy ngài là người hiểu biết lễ nghĩa, có tấm lòng nhân ái, không muốn gây hại cho dân, chính vì thế mà tính mạng ngài vẫn còn cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên nếu ngài làm việc ác, Mai Hoa kiếm khách sẽ đến gặp ngài”.

Nói đoạn, Dương Tú ôm xác Lệ Chi khinh công đi mất.

Hoàng Phúc về phủ đệ, sợ hãi đến mất ăn mất ngủ mấy ngày.

*

Năm 1427…

Nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh. Bình Định Vương Lê Lợi từ đất Lam Sơn đã mở rộng lực lượng, đánh đuổi giặc Minh ở Tốt Động, Chúc Động, lại đem quân vây Tổng binh Vương Thông trong thành Đông Quan. Minh triều sai An Viễn Hầu Liễu Thăng đem hơn mười vạn quân sang ứng cứu. Sang đến đất Đại Việt, Thăng bị tướng Lam Sơn là Trần Nguyên Hãn dùng kỳ binh vây hãm, chém đầu ở Ải Chi Lăng. Hoàng Phúc dẫn tàn quân chạy về thành Xương Giang. Lão sai quân lính phòng thủ nghiêm ngặt, quyết tử thủ trong thành.

Đại quân của Lê Lợi đã bao vây mấy vòng quanh thành Xương Giang. Hoàng Phúc ngồi trong trướng phủ, đôi mắt lập lòe như có ánh lửa. Quân lính chẳng thể chống đỡ được sức tấn công của quân Lam Sơn. Ngọn bạch lạp đã cháy hết. Trăng lên cao vằng vặc. Họ Hoàng vẫn thừ người ra như tượng gỗ. Người nhiều mưu kế như lão đã suy nghĩ nát đầu mà không thể tìm ra mưu kế nào mong trốn thoát. Đến nước này, chỉ có nước xua hết lính ra, quyết một trận tử chiến với quân Lam Sơn.

Bất chợt, một bóng đen đã xuất hiện đằng sau Hoàng Phúc tự lúc nào. Họ Hoàng giật mình quay đầu lại, ánh mắt kinh ngạc. Đó chính là Mai Hoa kiếm khách, là viên thư lại Dương Tú thủa nào. Lão lắp bắp: “Nhà ngươi định đến ám toán ta?”.

Dương Tú nhìn Hoàng Phúc, thấy lão gầy hốc hác, mái tóc bạc trắng. Chàng nói: “Nếu định ám toán, e rằng ngài đã chết từ ba năm trước. Nay đến không phải để chém giết mà để nói chuyện phải trái”.

Hoàng Phúc thở dài: “Còn chuyện gì nữa đâu mà nói. Quân ta thất bại đã rành rành. Giờ chỉ mong một trận tử chiến. Sự thể đến đâu thì đến”.

Dương Tú trầm giọng: “Ngài có thể không sợ chết nhưng ngài phải trân trọng mạng sống của người khác. Một hành động của ngài giờ quyết định mạng sống của mấy vạn binh lính Minh triều”. Hoàng Phúc cúi đầu. Họ Dương nói tiếp: “Tôi đến đây muốn nói với ngài rằng An Viễn Hầu Liễu Thăng đã chết. Tổng binh Vương Thông đang bị vây chặt tại thành Đông Quan”.

Hoàng Phúc thấy họng mình như nghẹn lại: “Nhà ngươi muốn dụ hàng ta chăng?”. Dương Tú chỉ cười: “Không! Tôi đến đây để nói với ngài rằng Bình Định Vương là người nhân nghĩa, muốn Đại Việt và Minh triều hòa hoãn chứ một trận tắm máu thì nào có khó khăn gì. Chỉ cần ngài khuyên nhủ Vương Thông ra hàng, Bình Định Vương sẽ đồng ý cho toàn bộ quân lính Minh triều lui về Trung Quốc. Như vậy tránh đổ máu cho bách tính trăm họ. Ngài mà làm được việc đó thì công tích không nhỏ chút nào”.

Hoàng Phúc cúi đầu: “Ta chỉ e Lê Lợi là người tráo trở, sẽ nhân lúc ta hàng mà giết toàn bộ quân ta. Như thế không những thanh danh của ta không giữ được, mà mạng sống của ba quân đều uổng phí”.

Dương Tú mỉm cười: “Tôi muốn gửi đến cho ngài một phong thư của người quen cũ”.

Hoàng Phúc tiếp nhận phong thư. Ánh mắt lão ngạc nhiên tột độ: “Đây là thư của Nguyễn Trãi? Giờ y đã là quân sư cho quân Lam Sơn?”. Dương Tú khẽ gật đầu. Hoàng Phúc bần thần. Trước đây, Nguyễn Trãi đã từng bị giam trong ngục thất Minh triều. Trương Phụ đã định đem giết. Hoàng Phúc thương họ Nguyễn là kẻ có tài năng hiếm có mới xin tha. Sau đó, Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Thăng Long rồi trốn đi đâu mất. Không ngờ họ Nguyễn đã tham gia cùng nghĩa quân Lam Sơn. Một kẻ hiệt kiệt như Nguyễn Trãi mà chịu cúi mình trước Lê Lợi, hẳn họ Lê không phải là một kẻ tầm thường.

Đọc xong thư, Hoàng Phúc nhắm chặt mắt rồi nhìn Dương Tú khẽ gật đầu.

*

Hoàng Phúc cầm hổ phù và thủ cấp của Liễu Thăng vào thành Đông Quan thuyết phục Vương Thông ra hàng. Các tướng Lam Sơn muốn nhân đó giết hết đám lính Minh triều để trả thù cho bách tính Đại Việt. Nguyễn Trãi đứng lên thưa: “Quân ta lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo, hành động giết kẻ đã đầu hàng để báo thù là điều tối kỵ, không nên làm”. Lê Lợi đồng ý, thả đám quân Minh về nước. Dương Tú đi theo hộ tống đám tàn quân.

Đến biên cương hai nước, Dương Tú chia tay Hoàng Phúc. Sau khi thua trận, họ Hoàng suy nghĩ nhiều, tóc tai bạc phơ. Lão ghé tai Dương Tú nói nhỏ: “Ta thấy Lê Lợi là người có khí tượng đế vương nhưng môi thô mày rậm, ấn đường có quầng tối, bàn tay có bảy nốt ruồi đen, đó là người quyết đoán nhưng gian hùng khắc bạc. Người này cũng như Hán Cao Tổ Lưu Bang, e rằng chỉ có thể ở cùng trong lúc khó khăn. Khi vạn sự thành công thì không biết đằng nào mà lần. Ngươi hãy nhớ lấy lời ta”.

Hoàng Phúc về Trung Quốc, bị Minh Tuyên Tông bắt phạt, của cải bị tịch thu sạch, lại còn bị phế làm thường dân. Sau này, thấy họ Hoàng đã cúc cung tận tụy qua mấy triều, Tuyên Tông thương tình phục chức cho Hoàng Phúc. Họ Hoàng làm việc lao lực, lâm trọng bệnh vào năm 1439, thọ 78 tuổi. Nhưng đó là chuyện mãi về sau này…

Trở lại chuyện của Dương Tú. Khi về đến Kinh thành Thăng Long, chàng chứng kiến Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế. Một thời gian sau, các công thần khai quốc đều gặp nạn, người bị mất chức, người thì bị sát hại. Riêng Dương Tú sớm cáo ấn từ quan, quy ẩn giang hồ. Lê Lợi nghe tin tiếc lắm nhưng cũng không cho người đi tìm.

Tương truyền Dương Tú thay tên đổi họ, lui về ở ẩn ở làng Mỹ Lương đất Sơn Tây. Chàng lấy vợ sinh con, sống đời nhàn hạ. Mai Hoa kiếm pháp cũng được truyền lại đến mãi sau này. Thế kỷ 19, Cao Bá Quát khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn. Khi qua làng Mỹ Lương, ông chứng kiến hậu duệ của họ Dương múa Mai Hoa kiếm pháp. Cao Bá Quát trong lòng rưng rưng cảm hứng, viết lên hai câu thơ tuyệt cú. Nhiều người cho rằng hai câu thơ này viết về vẻ đẹp của hoa mai, nhưng thực ra chính là viết về Mai Hoa kiếm pháp:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm.

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

Dịch nghĩa :

(Mười năm lặn lội tìm cổ kiếm

Một đời chỉ lạy trước hoa mai)

 HOÀNG TÙNG

(Mỹ Lương, 17/08/2012)

Chia sẻ:

Bài viết mới nhất

Gửi tin nhắn của bạn