Truyện dã sử: Bạch hổ truyền kỳ

BẠCH HỔ TRUYỀN KỲ

Ai về lại xứ Mường Mây

Cho ta gửi chút sương bay lưng đồi

Chim kêu vượn hú bồi hồi

Rừng thiêng Bạch Hổ đang ngồi ngắm trăng

(Ca dao Mường Mây)

 

Mường Mây là một vùng đất huyền hoặc. Nơi đây quanh năm mây phủ. Cánh rừng nguyên sinh tươi mát nằm gọn trong vòng tay cường tráng của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Người dân Mường Mây có nhiều câu truyện truyền kỳ. Họ sống với niềm tin vào những câu truyện được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong số đó, không ai không biết đến câu truyện của Bạch Hổ…

 

1.Quan Lang họ Vương một lần đi săn thú thấy một con hổ trắng mới sinh bị hổ mẹ vứt lại giữa rừng. Quan Lang đem về nuôi, cho những người thuần thú giỏi về dạy Ngài, cho Ngài ăn thức ăn chín để bớt đi thú tính. Lớn lên, Ngài trắng bông một màu như đóa hoa ban. Quan Lang gọi Ngài là Bạch Hổ.

Ngài Bạch Hổ trở thành biểu tượng uy quyền của Quan Lang và được Quan Lang coi như cánh tay thân tín. Ngài hết mực trung thành, gần như hiểu ý con người. Khi người vợ sinh con đầu lòng, Quan Lang cho làm hai cái vòng vàng, đeo một cái lên cổ Bạch Hổ và cái còn lại đeo lên cổ con trai, mong cho con mình sau này sẽ mạnh khỏe và tinh anh như loài linh thú.

Nhân thời điểm nhà Hồ không được lòng dân, nhà Minh với chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ” tiến quân vào Đại Việt. Năm 1407, chúng biến nước ta thành Quận Giao Chỉ.

Quan Lang họ Vương với uy tín lẫy lừng xứ Mường Mây được đích thân Trương Phụ viết thư phủ dụ. Viên tướng cáo già hiểu rằng nếu có được sự ủng hộ của Quan Lang, y sẽ có thêm nhiều con đường tiến quân vào nước Nam, thêm nhiều phương thức vận chuyển của cải về Trung Hoa. Hơn nữa, Quan Lang mà theo hàng thì người dân cả mấy xứ vùng cao đều sẽ thuận theo Thiên triều.

Quan Lang họ Vương nhận thư. Lời lẽ trong thư ngọt ngào nhưng cũng đầy hăm dọa. Quan Lang buông bức thư xuống rồi xoa xoa đầu Bạch Hổ như tâm sự: “Hàng quân Minh ư? Đầu hàng thì thân ta được yên ổn nhưng đất đai thì rơi vào tay giặc”. Bạch Hổ ngước lên nhìn. Quan Lang trầm giọng: “Rồi con ta sẽ thành con cháu ngoại bang, dân Mường Mây sẽ chịu kiếp nô lệ”. Bạch Hổ khẽ gừ gừ trong họng. Quan Lang viết thư lại trả lời Trương Phụ, lời lẽ mềm mỏng nhưng kiên quyết từ chối.

 

2.Đêm hôm đó, Bạch Hổ canh gác ngoài hiên nhà Quan Lang. Linh tính của loài thú khiến Bạch Hổ thao thức. Bỗng một loạt tên lửa được phóng thẳng vào dinh thự Quan Lang. Dinh thự cháy rừng rực. Mọi người hỗn loạn. Bạch Hổ vội phi vào cửa phòng của Quan Lang. Quan Lang gọi vợ con dậy. Lúc này mấy loạt tên nữa liên tục phi thẳng xuống. Gia nhân kẻ chết người bị thương hoảng loạn. Tiếng ngựa chạy đến rập rập. Chắc chắn có kẻ tạo phản. Quan Lang vội nhảy lên ngựa cũng với chục cận vệ trung thành và Bạch Hổ chạy hút về phía đèo Nắng.

Đến chân đèo Nắng, toàn bộ đoàn người khựng lại. Chính là Trương Phụ đang dàn quân chắn ngang đường. Thấy tình thế không ổn, Quan Lang quất ngựa chạy về phía đường núi. Quân Minh bám sát đằng sau. Đến bãi đất rộng, biết sức ngựa đã mệt, chạy cũng không nổi, Quan Lang cho dàn mười người cận vệ quay thẳng về phía quân Minh.

Trương Phụ phi ngựa tới, ánh mắt chạm vào mắt Quan Lang bỗng thấy rúng động. Hắn kêu gọi: “Ai đầu hàng ta phong tước và ban thưởng hậu hĩnh”.

Không một tiếng trả lời. Chỉ thấy Quan Lang vút roi vung gươm cùng với những cận vệ xông thẳng về phía quân Minh. Trong tiếng đao kiếm va nhau là tiếng gầm tả xung hữu đột của Bạch Hổ. Giờ trông Ngài như một cục máu nhuộm đỏ, xông đến đây quân Minh dạt ra đến đấy, máu bay tứ tung. Trương Phụ cũng khiếp sợ đứng chỉ dám đứng từ xa ngó nhìn. Quan Lang vỗ nhẹ Bạch Hổ chỉ Trương Phụ. Bỗng một tiếng gầm vang động, Bạch Hổ nhảy vọt qua mấy lớp quân cắn nát đầu con ngựa của Trương Phụ. Quân Minh vội nhao lại bao bọc còn Trương Phụ nhanh như cắt lăn vào giữa đám lính, miệng gào to: “Loạn tiễn”

Lập tức tên phong ra vun vút, Bạch Hổ lao đến liền bị mấy mũi tên găn thẳng vào người. Trong đám quân Minh có một kẻ mặt bịt khăn đen, vóc dáng to lớn giương nỏ dân tộc bắn thẳng về phía Bạch Hổ. Mũi tên xé gió cắm vào mắt khiến Bạch Hổ đau đớn lăn trượt về phía chủ nhân. Quan Lang và đám gia nhân đã bị loạn tiễn bắn gục, mắt còn mở trừng trừng. Phu nhân thì đang ôm xác con trai khóc nức nở. Mấy mũi tên nữa vút theo cắm vào lưng khiến Bạch Hổ gầm lên mấy tiếng đầy uất hận rồi chạy mất hút về phía rừng thẳm.

Trương Phụ thu quân về, treo xác cha con Quan Lang và mười cận vệ lên để đe dọa dân chúng Mường Mây. Đêm hôm đó, toàn bộ quân canh đều bị thú dữ cắn chết. Những cái xác đều biến mất một cách bí ẩn. Trương Phụ không khỏi kinh hãi, vội đưa quân về xuôi ngay trong ngày hôm sau.

 

3.Nếu như không có nội gián, Trương Phụ sẽ không thể nào biết được con đường độc đạo dẫn đến đèo Nắng. Kẻ nội gián là một người Mường Mây có tên Mã Lềnh. Mã Lềnh vốn đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp nhưng nhà nghèo quá nên không đủ tiền cưới nàng. Cô gái đó sau này trở thành phu nhân nhà Quan Lang. Mã Lềnh chán nản từ bỏ Mường Mây bươn chải xuống dưới chốn Kinh thành. Ai ngờ y lại trở thành tay sai của giặc ngoại bang.

Mã Lềnh được Trương Phụ cho làm Quan Lang mới. Cùng với đó là sự thúc giục của Trương Phụ về những con đường xuyên rừng nối thẳng sang Trung Quốc để sau này nhà Minh dễ dàng dẫn quân sang hay rút quân về. Thế nhưng quân lính cứ làm đến vùng đèo Nắng là bị hổ dữ xé xác chết.

Một đêm mưa to gió lớn, bỗng từ giữa nhà Quan Lang có tiếng hổ gầm. Chính là Bạch Hổ. Ngài quay lại trả thù. Mấy tên lính xông ra cản đường lập tức bị giết tươi. Bạch Hổ phóng thẳng đến phòng Quan Lang ẩy mạnh cửa, gầm lên một tiếng long trời lở đất. Xông thẳng đến trước giường, Bạch Hổ gạt tung đám trướng nhiễu che rủ. Mã Lềnh không có nhà. Trên sập là Phu nhân cùng đứa con chung với Mã Lềnh. Phu nhân sợ đến líu lưỡi, không nói lên lời vì Bạch Hổ giờ trông một mắt chột hẳn, quanh mặt quanh người đầy những cục u sẹo từ những vết tên bay, giáo đâm thủa nào. Chợt nhìn thấy trên cổ Bạch Hổ vẫn còn chiếc vòng vàng. Phu nhân vội run rẩy cầm chiếc vòng vàng đang đeo trên cổ nhấc nhấc nhấc lên cho Bạch Hổ nhìn thấy. Chiếc vòng này bà tháo từ cổ người con trai trước để tưởng nhớ về Quan Lang họ Vương. Bạch Hổ cúi xuống nhìn thẳng vào đứa trẻ. Phu nhân vội ôm giằng đứa bé vào lòng. Đứa bé khóc ré lên. Bạch Hổ đứng im trong một vài giây rồi phì dài một tiếng, biến mất trong màn đêm.

 

4.Hai mươi năm sau….

Cậu Khun, con trai của Mã Lềnh càng lớn càng tỏ ra là người nhanh nhẹn và được mọi người quý mến. Chân không cậu có thể chạy đuổi được con sóc. Ánh mắt và nụ cười của cậu giống hệt mẹ. Mã Lềnh yêu cậu lắm. Không gì là không chiều.

Hôm đó cậu đi săn cùng đám gia nô. Nhưng hôm đó quả là một ngày đen đủi. Quần nát cả vùng truông Gió mà không có một con thú nhỏ nào. Chiều tà, cả đoàn lững thững đi về, bỗng phía xa là một con nai đang gặm cỏ. Cậu Khun lập tức giục ngựa đuổi theo. Con nai chạy thẳng về phía đèo Nắng. Cậu Khun giương tên lắp cung bắn một phát trúng ngay vào chân con nai nhưng nó vẫn chạy hăng lắm.

Đến chân đèo Nắng cậu Khun đã sắp bắt kịp con nai rồi. Bỗng mấy gia nô lao lên gim ngựa lại thảng thốt: “Đây là lãnh địa của Ngài Bạch Hổ đấy, cậu không vào được đâu”. Khun dõng dạc: “Sao phải sợ. Con nai kia chạy được lúc nữa là mất máu chết. Các ngươi chờ ngoài này rồi ta mang xác nó ra đây cho”. Đám cận vệ nghi ngại: “Nhưng…”. Khun cương quyết: “Không nhưng gì cả. Ta đi đây!”

Nói đoạn cậu Khun vút ngựa theo dấu con nai. Bóng con nai mờ mờ phía trước. Cây rừng rậm rạp như mê lộ. Bỗng cậu Khun nghe thấy tiếng suối róc rách. Con hươu này mất máu sẽ ra suối uống nước. Quả như dự đoán, con nai đang vội vàng bên bờ suối vừa uống nước mắt vừa đảo quanh.

“Vút” Mũi tên cắm phập vào giữa yết hầu con nai. Con nai gục xuống. Cậu Khun lập tức nhảy xuống kéo ngựa qua bờ suối đi về phía con nai. Nhưng ngay khi cậu cúi xuống bên xác con nai thì một bóng trắng lao thẳng đến con ngựa của cậu. Cú ngoạm điệu nghệ vào gáy khiến con ngựa của cậu gục xuống giữa dòng suối. Khun kinh hoàng quay lưng định chạy thì vụt, cái bóng trắng đã ở trước mặt. Chính là Ngài Bạch Hổ. Khun tê cứng người. Bạch Hổ gầm lên một tiếng thị uy. Khun ngã ngửa ra đằng sau. Chiếc vòng vàng lòi ra khỏi áo. Ánh trăng chiếu vào chiếc vòng lấp lánh. Bạch Hổ nhìn vào Khun rồi nhìn chiếc vòng chăm chú. Khun bỗng nhớ tới chuyện của Quan Lang họ Vương và chiếc vòng vàng. Cậu đánh liều tháo chiếc vòng ra giơ lên trước mặt Bạch Hổ. Bạch Hổ phì mạnh một tiếng, quay lưng về phía bờ suối ngồi nhìn thẳng vào Khun. Khun lập cập theo sau. Đến bờ suối, cậu tìm mấy cành củi khô rồi lấy hòn đá đánh lửa. Đến chỗ con nai, cậu cắt cho mình một ít còn phần lớn mang ra chỗ Bạch Hổ. Phần của mình cậu nướng ăn và hong khô quần áo. Mùi thịt nai nướng thơm nức không khỏi khiến Bạch Hổ nhớ đến cả một thời ăn đồ chín. Khun cũng dễ dàng nhận ra điều đó vì thấy mũi của Bạch Hổ đôi lúc hấp háy về phía xiên nai nướng. Cậu lấy mấy xiên mang sang cho Bạch Hổ. Bạch Hổ chần chừ một lúc rồi ăn ngon lành. Thấy vậy cậu cắt thêm cả phần thịt ngựa nữa nướng lên cho Bạch Hổ ăn. Bạch Hổ có vẻ thích lắm. Ăn xong, Khun nằm dựa vào gốc cây và ngủ thiếp đi.

Sáng tinh mơ, Khun thấy người rung rung. Hóa ra Bạch Hổ lấy chân lay cậu dậy. Sau đó Bạch Hổ nhìn thẳng vào mắt Khun rồi đi xuyên rừng. Khun hiểu ý vội đi theo. Đi đến quá ngọ, Khun đã nhìn thấy chân đèo Nắng. Thoắt cái đã thấy Bạch Hổ biến mất tự lúc nào.

 

5.Sáng sớm hôm đó, sau khi nhận được công văn của quan trị nhậm mới xứ Giao Châu là Hoàng Phúc thúc giục làm đường mòn xuyên sang Trung Quốc với lời lẽ gay gắt hơn và giọng điệu đầy đe dọa, Mã Lềnh sợ toát mồ hôi. Đang chau mày suy nghĩ kế sách để diệt trừ Bạch Hổ thì thấy đám gia nô hớt hải chạy về bảo cậu chủ chạy vào khu đèo Nắng rồi sau đó có tiếng hổ gầm. Mã Lềnh kinh hãi ngã lăn ra đất ngất đi một hồi. Tỉnh dậy lão lập tức cho trói mấy tên gia nô lại chờ về hành hình. Sau đó lão huy động những lính tráng tinh nhuệ nhất phi ngựa thẳng về phía đèo Nắng. Đến đèo Nắng bỗng tất cả đều khựng lại. Mã Lềnh thương con là vậy nhưng nghĩ lại cảnh Bạch Hổ tung hoành giữa đám loạn quân hồng một màu máu cũng khiến lão kinh khiếp. Sau phút định thần, lão vẫn giục quân chậm chậm tiến lên. Bỗng thấy tán rừng xao xác. Lão vẫy tay. Cung thủ đã lên sẵn tên. Có tiếng người: “Đừng bắn! Con đây! Khun đây!” Định thần nhìn lại thì ra đúng là Khun. Mấy tên lính lập tức ra dìu Khun lên ngựa. “Đi khỏi đây càng sớm càng tốt”! Mã Lềnh lầm bẩm.

Khi mở tiệc xòe ăn mừng, Khun kể lại chi tiết câu chuyện đối mặt lạ kỳ với Bạch Hổ cho cha nghe. Mã Lềnh nghe mồm há hốc, nuốt lấy từng lời và dặn con đừng kể chuyện này với bất cứ ai. Hôm sau, lão theo ý con tha cho mấy người gia nô.

Tuần trăng sau, Mã Lềnh kéo Khun vào nói chuyện: “Khun à, cây nỏ treo trên góc nhà chính là cây nỏ hồi trẻ cha bắt mù mắt Ngài Bạch Hổ đó”. Khun ngạc nhiên: “Cha bắn mù mắt Ngài à?” Mã Lềnh thừa nhận: “Đúng vậy. Thế rồi cha mới được thăng làm Quan Lang, cưới mẹ con, đẻ ra con. Cha cảm thấy rất có lỗi với Ngài. Hôm nay trăng sáng, cha chuẩn bị một con lợn sữa quay thật ngon. Cha cho người mang lên trên đèo Nắng. Đêm nay trăng sáng, cọp thích ra suối. Con cứ đến chỗ cũ và dâng Ngài con lợn gọi là quà tặng của cả Mường nhé”. Khun gật đầu.

 

6.Mã Lềnh cho gia nhân buộc con lợn lên lưng ngựa và đi theo Khun đến tận chân đèo Nắng. Đến nơi, Khun kéo ngựa đi về phía có tiếng suối chảy và tìm đoạn hôm trước mình gặp.

Đến nơi, cậu bày con lợn sữa ra bên dòng suối. Mùi thơm bốc lên nghi ngút. Trăng lên bàng bạc. Khun cầm chắc chiếc vòng vàng trong tay. Có tiếng lá vỡ lắc rắc. Bạch Hổ đến. Đúng vậy. Bạch Hổ nhìn Khun dò xét. Khun đứng lên đưa trước vòng ra trước, tay làm biểu tượng cảm ơn của người Mường Mây và chỉ vào con lợn. Sau đó cậu đẩy con lợn về phía Bạch Hổ, mặt tỏ vẻ thành kính.

Bạch Hổ suy nghĩ giây lát rồi cúi xuống ăn. Khun ngồi đó chăm chú nhìn. Bỗng “Phịch!”, cậu thấy có ám hiệu phi vào người. Quay lại thì thấy có bóng người. Cậu vội đi về hướng đó. Bỗng thấy Bạch Hổ gầm to lên một tiếng thất thanh. Cậu quay lại thì thấy Bạch Hổ trào mấy dòng dãi den ra quanh miệng. Thịt lợn có độc! Khun định chạy lại thì một bóng đen nhào ra kéo cậu vào bụi rậm đồng thời hàng loạt mũi tên độc phóng ra. Bạch Hổ đang trúng độc nên không thể nhanh nhẹn như bình thường được đã dính thêm mấy mũi tên độc. Bạch Hổ hộc lên một tiếng đầy uất hận lao thẳng về phía Khun thì loạt tên độc khác lại được bắn ra găm khiến Ngài rơi phịch xuống đất. Bỗng bằng tất cả sức lực, Bạch Hổ chồm lên gầm một tiếng kinh thiên động địa. Ánh mắt của Ngài nhìn thẳng vào mắt Khun. Tia nhìn như một con dao, chém thẳng vào trong trí não khiến Khun bật ngửa. Loạt tên độc nữa lại được phóng ra. Cuộc hạ sát đã được chuẩn bị rất chu đáo. Bạch Hổ gầm lên một tiếng đầy đau đớn rồi chạy tuốt về phía núi cao.

Mã Lềnh cũng không dám xua quân đuổi theo, phần vì vẫn còn sợ, phần vì lão chắc chắn chất kịch độc trong con lợn sữa và bao nhiêu mũi tên đã quá đủ để giết chết Bạch Hổ.

Đêm hôm đó, trời giông bão. Người dân Mường Mây còn nghe trong tiếng mưa là tiếng gào thét dữ dội của Bạch Hổ.

Về phần Khun, cậu bị phát điên. Thầy mo cao tay được Mã Lềnh mời đến nói Khun đã bị Bạch Hổ bắt mất vía. Một hôm gia nô hốt hoảng phát hiện ra cậu dùng cái vòng vàng treo cổ mình trong phòng riêng tự lúc nào.

Phu nhân sau đó cũng u buồn mà chết.

Mã Lềnh treo ấn từ quan, bỏ đi biệt xứ.

 

Tôi ngước mắt nhìn quanh dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Vươn lên cao nhất trên dải núi gấm vóc là ngọn Cọc Trời. Chiều về. Những tia nắng cuối cùng sáng chói lói trên đỉnh núi. Người Mường Mây tin rằng Bạch Hổ đã biến thành một hòn đá trên đỉnh ngọn Cọc Trời. Chiếc vòng vàng ngài vẫn đeo trên cổ. Ngọn núi đã trở thành núi thiêng. Không ai dám đặt chân lên. Nhiều người thì tin rằng Bạch Hổ vẫn sống đâu đó ở vùng rừng núi nguyên sinh này.

Tôi ngủ lại Mường Mây. Đêm đó trời giông bão. Những tia chớp lóe sáng trên đỉnh Cọc Trời. Trong cơn giông chớp giật, tôi nghe như có tiếng hổ gầm.

HOÀNG TÙNG

Chia sẻ:

Bài viết mới nhất

Gửi tin nhắn của bạn